Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện cơ bản các nhiệm vụ, đầy đủ, đúng kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đây là đánh giá chung của các thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà làm Trưởng đoàn.
Theo báo cáo của Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An, trong thời gian từ 1/1/2015 đến 10/9/2016, EVN nhận được 2.502 văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương. Hệ thống Văn phòng điện tử của EVN thường xuyên cập nhật, theo dõi các văn bản đến từ Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành.
EVN đã tổ chức triển khai nghiêm túc 100% nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện. Các nhiệm vụ được giao đều hoàn thành đúng hạn, có nhiệm vụ hoàn thành trước hạn. Trong đó, EVN đã hoàn thành 619/658 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 94,1%), 1516/1582 nhiệm vụ do Bộ Công Thương giao (đạt 95,82%).
Trong giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao là thực hiện vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đất nước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện với tốc độ tăng trưởng bình quân trong cả giai đoạn là 10,9%, cao hơn tốc độ tăng GDP 1,84 lần.
Tính đến cuối năm 2015, EVN cung cấp điện cho 23,68 triệu khách hàng, mức sử dụng điện bình quân trên đầu người đạt 1.565 kWh/người/năm. Công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; hoàn thành, đưa vào vận hành kịp thời nhiều công trình điện, phát huy hiệu quả cao.
EVN đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp về kỹ thuật và quản lý kinh doanh để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, đưa tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn 7,94% vào cuối năm 2015, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng giao. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt từ 1,7-2,5%.
Bên cạnh đó, EVN cũng thực hiện đạt hiệu quả các chương trình, dự án cấp điện cho nông thôn, hải đảo; hoàn thành các nhiệm vụ phát triển thị trường phát điện cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng phục vụ khách hàng.
Thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định 1782/QĐ-TTg, đến nay, cơ cấu tổ chức của EVN đã được sắp xếp, điều chỉnh tập trung vào sản xuất kinh doanh điện và chuyên môn hóa các khâu phát điện-truyền tải điện-phân phối và kinh doanh điện; thoái, giảm 100% giá trị vốn đầu tư ngoài ngành.
Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng An cũng bày tỏ băn khoăn khi các quy định của văn bản pháp luật mới ban hành (Luật đấu thầu, Luật xây dựng, Luật đầu tư công, các văn bản hướng dẫn) trình tự, thủ tục và thời gian triển khai công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài và qua nhiều cấp trình duyệt. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án lưới điện truyền tải, đặc biệt đối với các dự án cấp bách.
Trình tự thủ tục đối với các dự án sử dụng vốn ODA theo các quy định tại Luật đầu tư công, Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất phức tạp, thời gian kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án vay vốn ODA.
Các thành viên Tổ công tác nhìn nhận điện lực là một ngành quan trọng của đất nước, có quy mô lớn, hệ thống văn bản pháp luật nhiều nhất và đầy đủ nhất. Những vấn đề các bộ, ngành chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có ý kiến, kiến nghị với EVN rất nhiều.
Đồng tình với những vướng mắc được EVN nêu ra trong thực hiện nhiệm vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) Đặng Huy Cường cho rằng EVN không phải là đơn vị duy nhất cung ứng điện. Sản lượng điện sản xuất của EVN chiếm khoảng 40% so với điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống, tỷ trọng điện sản suất của EVN có xu hướng giảm dần. Đây là thách thức lớn trong đảm bảo cung ứng điện thời gian tới.
Ông Cường đề cập đến sự “quá tải” của Bộ khi phải thẩm định, thẩm tra từ các thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, thiết kế đầu tư, quá nhiều và quá lắt nhắt. Chính vì việc này, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng để Bộ ủy quyền phân cấp cho EVN thực hiện các giai đoạn khác nhau trong quá trình đầu tư đối với các dự án nhóm C và công trình cấp 2 trở xuống nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và giảm tải cho cơ quan quản lý.
Phó Tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huấn nêu quan điểm cần rút ngắn trình tự thủ tục, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều thành viên Tổ công tác, cho rằng cần nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về một luật sửa nhiều luật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Trưởng đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà đánh giá Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thống kê đầy đủ, chi tiết, khoa học các văn bản, để tổ chức thực hiện bài bản, đúng thời hạn. Các hoạt động của ngành có chuyển biến lớn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tiếng kêu về ngành Điện đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hà cho rằng còn có những điểm cần EVN khắc phục, như tình trạng độc quyền cung ứng điện.
Nhấn mạnh muốn giải quyết công việc nhanh phải tăng cường công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, ông Lê Mạnh Hà gợi ý EVN cần chú trọng ứng dụng công nghệ tin trong giải quyết công việc, kịp thời xử lý nhanh chóng, linh hoạt, minh bạch, không “ngâm” hồ sơ. Trong báo cáo, EVN cần đánh giá thêm về chất lượng thực hiện những nhiệm vụ, chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nêu ra những bài học để nhân rộng.
Đối với các kiến nghị của EVN, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị Tập đoàn tập hợp trong báo cáo để các bộ, ngành xử lý ngay theo thẩm quyền, chỉ những vấn đề vượt thẩm quyền không giải quyết được mới báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đoàn kiểm tra không chỉ kiểm tra mà còn giúp đỡ, tiếp thu các kiến nghị để xử lý, rút ngắn được thủ tục cho doanh nghiệp – ông Hà nói.
Theo ông Lê Mạnh Hà, việc sửa đổi thể chế, những quy định không phù hợp, hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp cần được nhanh chóng thực hiện theo tinh thần một luật sửa nhiều luật. Là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của các văn bản quy phạm pháp luật, từ thực tiễn mới thấy hết được gốc rễ, các cơ quan quản lý không thể thấy hết được, do đó, Tập đoàn cần có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi thể chế cho phù hợp. Tinh thần là không cầu toàn, có bao nhiêu sửa bấy nhiêu mới giải quyết nhanh được.
Ông Lê Mạnh Hà đề nghị EVN thẳng thắn góp ý kiến đối với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành đã xử lý kiến nghị của Tập đoàn như thế nào, có đánh giá hai chiều để cùng rút kinh nghiệm.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến chủ trương tách quản lý nhà nước với hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp, quan điểm của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp là giao trách nhiệm cho các tập đoàn, để làm được điều đó, cần nhanh chóng thay đổi thể chế./.