Tôn vinh những tác phẩm thông tin đối ngoại có ý nghĩa và giá trị

Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần VII sẽ được tổ chức vào ngày 28/11 để ghi nhận và động viên, khuyến khích các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại trong và ngoài nước.
Tôn vinh những tác phẩm thông tin đối ngoại có ý nghĩa và giá trị ảnh 1Các tác giả đoạt giải A Giải thưởng thông tin đối ngoại toàn quốc lần thứ VI. (Nguồn: Vietnam+)

Qua 6 năm tổ chức liên tục, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại ngày càng khẳng định thương hiệu của một giải thưởng chất lượng, uy tín; trở thành diễn đàn để các tác giả, nhóm tác giả người Việt Nam và người nước ngoài trao đổi, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ; mở ra không gian sáng tạo cho đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại.

Tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đầy biến động với những thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là kết quả thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cùng nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

Việt Nam cũng đã tạo được dấu ấn đậm nét trong cộng đồng quốc tế khi đảm nhận thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA-41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Với những thành tựu quan trọng đạt được thời gian qua, lần đầu tiên kể từ năm 1975, Việt Nam được đề cập tích cực trên truyền thông quốc tế với tần suất cao và mức độ rộng. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước cùng với sự quan tâm ngày càng tăng của chính giới, dư luận truyền thông đối với Việt Nam tiếp tục là tín hiệu tích cực, là nguồn chất liệu, cảm hứng cho đội ngũ những người làm công tác đối ngoại trong và ngoài nước, sáng tạo để tạo ra những tác phẩm, sản phẩm thông tin đối ngoại có ý nghĩa và giá trị hơn. Do đó, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức nhằm tiếp tục ghi nhận và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, sản phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại

Tính đến ngày 31/7/2021, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII đã nhận được tổng số 1.053 tác phẩm, sản phẩm dự thi. Các tác phẩm dự thi được thể hiện bằng 15 ngữ, gồm tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Lào, Khmer, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thái Lan, Indonesia, Séc và Bulgaria, trong đó có 988 tác phẩm được chọn vào vòng chấm Sơ khảo. Điều này cho thấy uy tín, vị thế của Giải thưởng cũng như mức độ quan tâm của các tổ chức, cá nhân không ngừng nâng cao. Điểm nổi bật của Giải thưởng lần VII là sự tham gia của 32 tác giả, đơn vị báo chí nước ngoài, 14 tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài và 14 Đại sứ quán Việt Nam ở các nước.

[Kéo dài thời gian nhận tác phẩm dự giải thông tin đối ngoại đến 31/7]

Theo Ban tổ chức Giải thưởng, các tác phẩm, sản phẩm dự thi Giải năm nay có nội dung phong phú, đa dạng, bao trùm các sự kiện, vấn đề nổi bật trong năm 2021. Nổi bật, nhiều tác phẩm đã tiếp cận công nghệ truyền thông hiện đại (sử dụng công nghệ thực tế ảo, triển lãm ảo, ứng dụng kỹ thuật đồ họa, megastory…), có giá trị thông tin đối ngoại, tính lan tỏa cao, thu hút được sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước.

Nội dung các tác phẩm không chỉ bám sát, đề cập mọi vấn đề nổi bật của năm 2020-2021 như Đại hội Đảng lần thứ XIII; vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn song phương, đa phương; quan hệ đối ngoại Việt Nam với các nước… mà còn phản ánh nhiều vấn đề thu hút được sự quan tâm của công chúng như tinh thần dân tộc trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19.

Các tác phẩm bằng tiếng nước ngoài, của người nước ngoài cũng thể hiện tầm nhìn sâu, tích cực, đa khía cạnh về hoạt động đối ngoại của Việt Nam cũng như hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Các tác phẩm, sản phẩm dự thi quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; thông tin chính xác, kịp thời, sinh động các hoạt động đối ngoại và đối nội của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về các vấn đề quốc tế, giải quyết các vấn đề chủ quyền quốc gia; bảo đảm tính khách quan, có sức lan tỏa trong nước và quốc tế.

Các tác phẩm cũng đã phản ánh trung thực, khách quan về thành tựu đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển; thành tựu công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; khẳng định thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, công tác phân giới, cắm mốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam.

Ngoài ra, các tác phẩm còn phản ánh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền sai sự thật về tình hình Việt Nam của các thế lực thù địch, cơ hội.

Niềm vinh dự, tự hào

Căn cứ theo kết quả kiểm phiếu, năm nay, Hội đồng Chung khảo đã quyết định trao giải cho 102 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc, gồm: 1 giải Đặc biệt, 10 giải Nhất, 19 giải Nhì, 29 giải Ba và 43 giải Khuyến khích.

Các cơ quan Trung ương, cơ quan báo chí chủ lực vẫn là các đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi, có chất lượng tốt, giành được nhiều giải cao. Số lượng tác phẩm, sản phẩm của địa phương và nước ngoài cũng có sự nâng cao về chất lượng, số lượng.

Nhân sự kiện kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh 2/9, nhóm tác giả: Vũ Thị Quỳnh Hoa, Chu Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Hồng Điệp, Dương Anh Tùng, Trần Hiền Hạnh (Ban Biên tập tin Trong nước, Thông tấn xã Việt Nam) đã công phu thể hiện loạt 5 bài: “75 năm thực hiện lời thề độc lập.”

Chia sẻ về ý tưởng hình thành loạt bài, đại diện nhóm tác giả, nhà báo Vũ Quỳnh Hoa, Trưởng Phòng Chính trị-Ngoại giao, Ban Biên tập tin Trong nước cho biết trước sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, chúng tôi hình thành loạt bài viết để tuyền tải những thành tựu vô cùng to lớn, tự hào của dân tộc Việt Nam quật cường, để cho hôm nay và mai sau trân trọng và tự hào với quá khứ, với sự đoàn kết đồng lòng của cả đất nước.

Lấy thông điệp chính “thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày lập nước,” chùm bài lựa chọn hướng tiếp cận là việc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng, đồng sức thực hiện các “quốc gia chính sách, quốc kế dân sinh” vì mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Tôn vinh những tác phẩm thông tin đối ngoại có ý nghĩa và giá trị ảnh 2Nhập Ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, giới thiệu về Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Sau một thời gian chuẩn bị và triển khai, chùm bài đã phản ánh một cách toàn diện, hệ thống về những kết quả đất nước đã đạt được qua 75 năm, đặc biệt qua 35 năm đổi mới, được thể hiện toàn diện trên các mặt: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, từ đó là "bệ đỡ" để phát triển kinh tế, chăm lo an sinh-phúc lợi xã hội cho nhân dân, xây dựng nền quốc phòng-an ninh vững chắc. Những thành tựu ấy đã góp phần nâng tầm uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế

Đề cập tới một nội dung rất thời sự, đó là công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhà báo Giáp Thanh Lịch, phòng Thời sự, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bắc Giang đã có một góc nhìn riêng qua tác phẩm “Nhật ký COVID-19 của thầy giáo người Nhật Bản.”

Ngay trong những ngày đầu tiên của đợt dịch lần thứ 4, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước. Trong một lần tác nghiệp, anh Lịch “có duyên” khi gặp được thầy giáo người Nhật Bản-Hitoshi Mukai, năm nay đã hơn 60 tuổi, sinh sống hơn 7 năm tại Việt Nam.

Khi biết tin nơi mình làm việc sẽ trở thành ký túc xá cho đội ngũ y tế các địa phương khác đến Bắc Giang hỗ trợ phòng, chống dịch, thầy giáo người Nhật Bản đã đăng ký tham gia làm tình nguyện viên. Gần 2 tháng làm công việc này, thầy Mukai đã chứng kiến những hy sinh, vất vả của các lực lượng chống dịch và rất cảm phục tinh thần đoàn kết, anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

“Qua góc nhìn của người Nhật Bản - trực tiếp cùng các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, tác phẩm video của tôi muốn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, niềm tự hào về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái và niềm tin chiến thắng của dân tộc trong bối cảnh khó khăn. Cùng với đó còn là tấm lòng khâm phục dành riêng cho người thầy giáo 60 tuổi, không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy đến tính mạng để xung phong làm tình nguyện viên chống dịch COVID-19,” anh Giáp Thanh Lịch chia sẻ.

Trong một chủ đề khác, nhà báo Lê Văn Chương, Báo Tiền phong cho biết nhận nhiệm vụ thường trú tại Quảng Ngãi - khu vực miền Trung của đất nước, anh có cơ hội nhiều lần đồng hành cùng ngư dân bám biển. Trong đó, trận hải chiến Hoàng Sa đã lùi lại 47 năm, nhưng đến nay vẫn tiếp tục trở thành đề tài nghiên cứu của các quốc gia ven biển. Không chỉ người dân Việt Nam mà nhiều bạn bè quốc tế thắc mắc “nơi ấy bây giờ ra sao?.”

“Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ” của anh được đăng tải 5 kỳ trên Báo Tiền phong như một câu trả lời đối với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, thực tâm lo lắng và luôn dõi theo tình hình chủ quyền biển đảo, đặc biệt mảnh đất chủ quyền ở Hoàng Sa.

“Loạt 5 bài của tôi góp phần trả lời cho độc giả trong nước và bạn bè quốc tế rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn nhất quán khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi. Ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam vẫn dũng cảm, áp sát, bám sát để mưu sinh. Với việc mô tả tương đối đầy đủ bối cảnh thực tế đang diễn ra, bài viết dẫn dắt bạn đọc chạm đến vùng biển đảo thân yêu và thiêng liêng của Tổ quốc,” nhà báo Lê Văn Chương chia sẻ.

Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII sẽ được tổ chức vào ngày mai 28/11/2021 để ghi nhận và động viên, khuyến khích các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục