Tôn vinh truyền thống đoàn kết của dân tộc tại di tích Nhà tù Hỏa Lò

Rất nhiều tài liệu, hiện vật gợi nhớ ký ức về các kỳ Đại hội Đảng, những chiến sỹ Cách mạng kiên trung và tình đoàn kết quân dân được Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò giới thiệu đến công chúng.
Dù trời giá rét nhưng triển lãm vẫn thu hút đông đảo khách tham quan. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Dù trời giá rét nhưng triển lãm vẫn thu hút đông đảo khách tham quan. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Năm 1960, tại Công viên Bách Thảo Hà Nội, trong sự kiện chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III của Đảng, Bác Hồ kính yêu đã đứng trên bục chỉ huy bắt nhịp “Bài ca kết đoàn.” Nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long đã ghi lại khoảnh khắc này. Từ đó bức ảnh đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Sau 60 năm, hình ảnh ấy lại được tái hiện trong không gian triển lãm “Bài ca kết đoàn” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Ngày 8/1, triển lãm khai mạc với rất nhiều tư liệu, hình ảnh thể hiện tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cho đến thời đại ngày nay.

Trưng bày là lời khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công” được thể hiện qua 2 nội dung: “Dấu ấn nơi miền quê” và “Dưới cờ Đảng vẻ vang.”

[Tái hiện sống động ‘một thời đạn bom’ qua triển lãm tại di tích Hỏa Lò]

Phần thứ nhất là câu chuyện kể về những người con ưu tú trong cùng gia đình, dòng họ ở một số miền quê, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ vùng quê nghèo “bạc vai áo mẹ,” bao chiến sỹ đã quyết đi theo con đường cách mạng, nguyện hy sinh hạnh phúc riêng tư, kiên cường đấu tranh để góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Mặc dù bị địch bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và nhiều nhà tù khác, những người con ưu tú vẫn luôn siết chặt tay nhau, chống lại chế độ giam cầm hà khắc với tinh thần: “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.”

Tôn vinh truyền thống đoàn kết của dân tộc tại di tích Nhà tù Hỏa Lò ảnh 1Nhiều người trẻ tới triển lãm để hiểu hơn về truyền thống Cách mạng hào hùng và tinh thần đoàn kết của dân tộc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nội dung thứ 2 khái quát lại chặng đường dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua những chặng đường khó khăn sau chiến tranh, để xây dựng nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.”

Qua các dòng thuyết minh, hình ảnh và hiện vật ,người xem sẽ hiểu hơn về những Đảng viên ưu tú tham gia hoạt động cách mạng. Nhiều người từng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và các nhà tù khác như: Đồng chí Đỗ Mười, Nguyễn Thị Tam, Nguyễn Thọ Chân, Phạm Gia, Phạm Thạch Tâm… Sau khi thoát khỏi “địa ngục trần gian,” những người cộng sản kiên trung ấy đã tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đặc biệt, khách tham quan triển lãm còn được gặp gỡ, lắng nghe nhiều câu chuyện do thân nhân của các nhân vật được giới thiệu tại triển lãm kể lại. Trong đó, câu chuyện tình cao đẹp giữa hai chiến sỹ cách mạng Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn gây xúc động mạnh mẽ qua lời kể của người con gái duy nhất là bà Nguyễn Hồng Tuyến, cán bộ tiền khởi nghĩa, năm nay đã bước sang tuổi 90.

“Bố tôi bị địch bắt năm 1931, bị tra tấn dã man nhưng ông vẫn một lòng hướng về Đảng, về Cách mạng, đến năm 1943 thì hy sinh. Sau 3 lần đến Côn Đảo thì tôi đã đưa được hài cốt của bố từ nghĩa trang Hàng Dương về an táng tại nghĩa trang Tân An ở quê nhà Bắc Giang,” bà Tuyến rưng rưng.

Tôn vinh truyền thống đoàn kết của dân tộc tại di tích Nhà tù Hỏa Lò ảnh 2Chiếc cặp của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đất nước thống nhất, tinh thần đoàn kết, “Bài ca kết đoàn” mà Bác bắt nhịp thuở nào vẫn vang lên, kết thành ý chí, quyết tâm xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.” Ở đó, mỗi kỳ Đại hội Đảng đều là những dấu mốc lịch sử quan trọng. 

Trưng bày kéo dài đến 28/2 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục