Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh Hà Nam

Chiều 2/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh tại tỉnh Hà Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh Hà Nam ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 2/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Hà Nam, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương.

Tháp tùng Tổng Bí thư có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Hà Nam là tỉnh vùng trũng của Châu thổ sông Hồng, có thuận lợi là nằm trong vùng Thủ đô, có hệ thống giao thông thuận lợi, có nguồn tài nguyên đá vôi phong phú, có truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học.

Tổng Bí thư ghi nhận những tiến bộ mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Từ khi tái lập tỉnh (năm 2007) đến nay, Hà Nam liên tục có mức tăng trưởng GDP cao so với cả nước, bình quân đạt gần 13%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, là một tỉnh nông nghiệp nhưng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng đã tăng lên 53%, nông- lâm - thủy sản chỉ còn 15,6% trong GDP của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp có bước bứt phá toàn diện cả về năng suất, chất lượng. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, từ đường làng ngõ xóm đến từng gia đình. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc.

Đến nay, Hà Nam đã có 3 xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 11 xã đạt trên 15 tiêu chí. Mặc dù tình hình chung có nhiều khó khăn, nhưng Hà Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao: 22%/năm, năm 2014 ước đạt 18,6%.

Bên cạnh đó, Hà Nam đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác đánh giá cán bộ, quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú trọng đào tạo bồi dưỡng và đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng được triển khai bài bản, có hiệu quả.

Tổng Bí thư chia sẻ, Hà Nam còn nhiều khó khăn hạn chế, vẫn là tỉnh nghèo, đất chật người đông, bình quân thu nhập đầu đầu người thấp, chưa bằng mức bình quân chung cả nước. Hà Nam còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, nhất là về môi trường, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, cả về vốn và nhân lực. Khắc phục những hạn chế, yếu kém cũng chính là những việc phải làm trong thời gian tới.

Tổng Bí thư yêu cầu Hà Nam chuẩn bị thật tốt cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nhân Đại hội Đảng bộ các cấp sắp tới, Hà Nam nên tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn vừa qua của tỉnh, những kết quả đạt được, những vấn đề mới đặt ra, phân tích đặc điểm, thế mạnh tiềm năng của tỉnh; dự báo tình hình sắp tới, thấy rõ thuận lợi và khó khăn, để vừa xử lý tại chỗ, vừa góp ý với Trung ương, trên cơ sở đó rà soát bổ sung quy hoạch phát triển dài hơi hơn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Có thể thấy, Hà Nam có nhiều lợi thế không mấy tỉnh có được, là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô , kề cận một thị trường tiêu thụ lớn, là đầu mối giao thông thủy, bộ, có nguồn tài nguyên cho công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng...

Tổng Bí thư lưu ý Hà Nam cần tập trung vào những mũi nhọn đột phá, tận dụng hết điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp trình độ cao, chất lượng cao, gắn với chế biến, xuất khẩu; huy động tối đa nguồn lực trong dân, trong xã hội cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, Hà Nam cần chú trọng liên kết vùng, liên kết với các khu vực khác trong cả nước, không chỉ loanh quanh trong phạm vi 800km2 của tỉnh, liên kết để bổ sung thế mạnh cho các địa phương bạn, đồng thời khắc phục hạn chế, yếu điểm của Hà Nam.

Tổng Bí thư nhắc nhở, Hà Nam cần tiếp tục thực hiện thật tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng phải thường xuyên, kiên trì; phải xây dựng nội bộ đoàn kết vững mạnh, chống cho được tiêu cực tham nhũng, huy động sức dân, đón thời cơ để phát triển.

Tổng Bí thư ghi nhận các kiến nghị xác đáng của Hà Nam, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của tỉnh và giao các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tiếp tục bàn bạc cụ thể, tháo gỡ giải quyết từng vấn đề, giúp Hà Nam tiếp tục phát triển đi lên.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hà Nam, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, để phát triển nông nghiệp toàn diện và chuyển sang sản xuất hàng hóa, tỉnh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, mở rộng sản xuất lúa hàng hóa, cây trồng vụ Đông. Sản lượng lương thực của tỉnh đạt hơn 460.000 tấn/năm, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, thủy sản chiếm hơn 43% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nam thực hiện quyết liệt 3 nhóm tiêu chí về: Hạ tầng kinh tế-xã hội; nâng cao thu nhập của nông dân; không cần nhiều kinh phí. Đồng thời, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, ưu tiên các dự án công nghệ cao không ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn như Honda Việt Nam 120,5 triệu USD, Number 1 Hà Nam 240 triệu USD...

Để tạo điều kiện cho tỉnh phát triển, Hà Nam kiến nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển kinh tế-xã hội liên vùng, trong đó có tuyến đường nối cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hà Nội-Hải Phòng, cải tạo lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy; ưu tiên đầu tư các chương trình dự án có tính chất đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ chuyển đổi đất lúa sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao...

Trước đó, sáng 2/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, một xã thuần nông, với 85,5% dân số sống nhờ sản xuất nông nghiệp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh Hà Nam ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm trang trại chăn nuôi gà của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Duy Dậu, hộ gia đình làm kinh tế giỏi ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Những năm qua xã Vũ Bản, huyện Bình Lục đã có cơ chế phù hợp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành nghề… giúp nhân dân tiếp cận phương thức sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 11,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm.

Đảng bộ xã có 412 đảng viên, trong đó có 205 đảng viên nông nghiệp, với 27 chi bộ trong đó có 20 chi bộ thôn xóm, 7 chi bộ cơ quan hành chính sự nghiệp. Hơn 30 năm liên tục, Đảng bộ xã Vũ Bản luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; chính quyền và các đoàn thể nhân dân đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện, đoàn kết, liên hệ mật thiết với nhân dân.

Nói chuyện thân mật với cán bộ đảng viên và nhân dân xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng nhận thấy vùng đất chiêm trũng - “rốn nước” của tỉnh Hà Nam ngày xưa, đã có nhiều đổi thay, phát triển, nhưng vẫn giữ được nét đẹp thanh bình của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhà cửa khang trang, đường sá sạch đẹp.

Tại Vũ Bản, tất cả các làng đều được công nhận làng văn hóa, 96% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 100% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt, nước sạch, 97% rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý... 100% các gia đình chính sách đều có mức sống cao hơn mức bình quân của địa phương.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Vũ Bản đã tiến hành dồn đổi ruộng đất, khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất và tổ chức làm giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất; mở rộng các loại hình dịch vụ từ làm đất, gieo cấy, thu hoạch, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tổ chức lại lao động, tăng thu nhập. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 11,7% năm 2010 xuống còn 3,5%. Xã Vũ Bản đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, được tỉnh công nhận đạt xã nông thôn mới.

Đảng bộ xã đã hoàn thành sớm 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa 22, nhiệm kỳ 2010-2015.

Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ xã Vũ Bản, huyện Bình Lục tiếp tục quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục phải thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, với tinh thần đảng viên đi trước, làng nước theo sau, miệng nói tay làm đồng thời phải giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, củng cố và giữ vững niềm tin trong nhân dân , xây dựng xã Vũ Bản, huyện Bình Lục ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng danh vùng đất văn hóa, vùng quê anh hùng.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà gia đình bà Trần Thị Tuyết ở thôn Nam, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Duy Dậu ở thôn Hậu, xã Vũ Bản, là những gia đình tiêu biểu, ứng dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả cao về kinh tế và bảo vệ môi trường.

Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm dây chuyền sản xuất của Công ty trách nhiệm hữu hạn Number 1 Hà Nam - Tân Hiệp Phát, tại Cụm công nghiệp Kiện Khê 1, huyện Thanh Liêm. Được đầu tư đồng bộ, hiện đại, khi đi vào hoạt động ổn định Nhà máy sẽ tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động trên địa bàn và các tỉnh lân cận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục