Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ

Ngày 14/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ.

Ngày 14/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri đã gửi tới Quốc hội nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng, tâm huyết và trách nhiệm. Đa số cử tri nhất trí với nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; cho rằng hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, cải tiến, Quốc hội ngày càng gần dân hơn, làm tốt hơn vai trò, chức năng của mình.

Trăn trở trước nhiều vấn đề của thực tiễn cuộc sống, cử tri đề nghị trong các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội cần quan tâm hơn vấn đề xây dựng con người. Cử tri bày tỏ lo lắng trước tình trạng học sinh lớp 1 oằn lưng cõng sách, giáo dục hiện nay còn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, tình trạng chạy trường chạy lớp chưa được ngăn chặn, đối tượng tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng trẻ hóa. Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu chưa được điều chỉnh theo giá thị trường, gây khó khăn cho cuộc sống người dân... Hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực, nhưng biện pháp chế tài không đủ răn đe. Tình trạng bệnh viện quá tải vẫn tiếp diễn, không bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân...

Bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cử tri cho rằng vừa qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với nhân dân vùng biển, hải đảo và đã phát huy được tính tích cực, tạo thuận lợi cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, cử tri đề nghị cần ưu tiên hơn nữa cho nhân dân vùng biển, đảo, nhất là các chính sách đầu tư về y tế, giáo dục, hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất.

Cử tri cũng đề cập nhiều vấn đề khác như: Thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường; bảo đảm tính thực thi khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp... Cần có quy chế phối hợp giữa đại biểu Quốc hội với đại biểu Hội đồng Nhân dân theo đơn vị bầu cử, nhằm tạo sự liên thông, theo dõi có hệ thống các ý kiến, kiến nghị của cử tri...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng của cử tri, đề cập những vấn đề thiết thân, liên quan đến đời sống hàng ngày và đóng góp vào công việc chung của đất nước. Tổng Bí thư cũng đã dành thời gian trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề cử tri nêu.

Về việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, Tổng Bí thư cho biết hiện còn hai loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, nên chăng không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, làm sao giảm bớt biên chế, gọn đầu mối, tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng, cần thiết phải có Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, đâu có chính quyền, ở đó cần có sự giám sát của nhân dân thông qua cơ quan do mình bầu ra là Hội đồng Nhân dân. Chính vì thế, Quốc hội chủ trương cho phép thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường và bây giờ đến giai đoạn tổng kết. Hiện trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn ghi theo hướng mở, giao cho luật quy định về chính quyền địa phương. Sắp tới, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Bên cạnh đó, Trung ương cũng đã cho phép thí điểm xây dựng chính quyền đô thị, trước hết là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; thí điểm mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, việc này nếu chọn được cán bộ tốt, dân chủ, trách nhiệm, thực sự vì dân, thì kết quả rất tốt, vừa bảo đảm đoàn kết, công việc chạy nhanh, đỡ phải họp hành, nhiều tầng nấc. Nhưng nếu lựa chọn cán bộ không đúng, thì kết quả sẽ ngược lại. Vì vậy, những việc này cần phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu, phê chuẩn, cụ thể là kỳ họp thứ 5 sắp tới Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư nêu rõ: Chủ trương này lâu nay đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, nhưng chưa thực hiện, chưa có hướng dẫn cụ thể. Lần này, sau Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI), Trung ương cũng quyết định lấy phiếu tín nhiệm, không phải chỉ đối với Quốc hội, mà với các cơ quan Đảng, các đoàn thể trong hệ thống chính trị. Đây là vấn đề lớn, chúng ta chưa từng làm, lần này làm là thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, dân chủ, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân. Nhưng việc này đụng chạm đến vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nên phải hết sức thận trọng, chuẩn bị cho kỹ, tính toán làm sao để đạt được kết quả tốt.

Trước sự băn khoăn của nhiều cử tri, liệu việc lấy phiếu tín nhiệm có mang lại kết quả chính xác, có phản ánh đúng thực tế, nếu không cẩn thận người có tín nhiệm thật thì phiếu thấp, người khéo chạy chọt có khi lại nhiều phiếu; nếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm không phản ánh đúng thực tế, sẽ dẫn đến việc sử dụng cán bộ không đúng, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng điều quan trọng là thực hiện đúng quyền của đại biểu Quốc hội, phải làm cho chắc chắn, cẩn thận, đòi hỏi các đại biểu phải rất sáng suốt, công tâm, khách quan, bản lĩnh, trí tuệ và nắm đúng thông tin. Đôi khi không biết đầy đủ thông tin, dù mình tốt nhưng lại nghe dư luận, nhất là những thông tin xấu, độc hại, bên ngoài tung ra để cố tình bôi nhọ người này người khác, nếu căn cứ vào những thông tin ấy để bỏ phiếu tín nhiệm thì rất nguy hiểm.

Tổng Bí thư mong cử tri tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến với Quốc hội, vì qua lắng nghe dân, đại biểu Quốc hội sẽ biết được tín nhiệm thật ở trong dân.

Về việc chăm lo đời sống nhân dân vùng biển đảo, Tổng Bí thư chỉ rõ Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài, diện tích biển rộng, nhiều đảo và quần đảo. Đảng đã có nghị quyết về chiến lược biển, phát triển kinh tế biển, Quốc hội đã có Luật Biển Việt Nam, phải làm sao giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, giữ được ổn định, hòa bình để phát triển, chăm lo bảo vệ dân, tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm vấn đề này, từ việc đánh cá thế nào, giá cả xăng dầu ra sao, tàu bè, thuyền, tổ hợp tác giúp nhau đánh bắt cá, khai thác tài nguyên, đưa điện, nước ngọt ra đảo, mở trường học, xây bệnh viện, xây chùa, gắn với thực hiện chiến lược biển, bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo vệ dân, giữ cho được mối quan hệ hòa hiếu, ổn định để phát triển đất nước.

Tổng Bí thư đồng tình với ý kiến của nhiều cử tri, cho rằng các cơ quan chính quyền cần tăng cường công tác dân vận, cán bộ nhà nước cần được nâng cao kiến thức về công tác dân vận, tăng cường trao đổi, đối thoại trực tiếp với dân, không coi công tác dân vận chỉ là việc của các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể. Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thống nhất thông qua nghị quyết về tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Tổng Bí thư cũng ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhiều cử tri về việc tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, cụ thể là vấn đề bô xít ở Tây Nguyên, quy hoạch "treo," dự án "treo," giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng ban hành rồi nhưng khó thực hiện trong thực tế cuộc sống.../.

Nguyễn Thị Sự (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục