Tổng cục Thuế Việt Nam nhận định gì về vụ Hồ sơ Panama?

Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, Hồ sơ Panama bị rò rỉ đã thức tỉnh cơ quan chức năng để cảnh giác hơn với các doanh nghiệp từ vùng "thiên đường thuế."
Tổng cục Thuế Việt Nam nhận định gì về vụ Hồ sơ Panama? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Chưa khẳng định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có liên quan tới “Hồ sơ Panama” nhưng đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, vụ việc đã thức tỉnh cơ quan chức năng để cảnh giác hơn với các doanh nghiệp từ vùng “thiên đường thuế.”

Xem xét lại xuất xứ nhà đầu tư

Đưa ra đánh giá này bên lề Bàn tròn chia sẻ thông tin Thuế - Việc làm - Chính sách thuế Việt Nam do ActionAid Việt Nam tổ chức chiều 13/4, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, cần phải xem xét lại xuất xứ nhà đầu tư.

Theo ông, trên thế giới, có 1 số hòn đảo hoặc khu vực tự do đưa ra quy định thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0% nên nhiều nhà đầu tư đã lập ra công ty tại đây để đầu tư đi nhiều nước khác trong đó có Việt Nam.

Khi vào Việt Nam, lựa chọn được nhiều nhà đầu tư đưa ra là tận dụng mọi ưu đãi thuế trong nước rồi sau đó chuyển tiền trở lại các khu vực thiên đường thuế để hưởng mức thuế bằng 0%.

“Họ được hưởng ưu đãi của nước họ mà chúng ta lại cho họ thêm ưu đãi tại Việt Nam nên chúng ta đã để mất nguồn thu. Bởi vậy, cần xem xét xuất xứ nhà đầu tư,” đại diện ngành thuế lên tiếng.

Cũng nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh tin tưởng rằng, việc trốn thuế, rửa tiền như vụ Hồ sơ Panama vừa được phanh phui cũng đang xuất hiện trong dòng vốn vào Việt Nam.

“Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khả năng kiểm soát tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại,” vị chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Theo ông, đây là vấn đề riêng, Việt Nam không thể làm được mà cần sự phối hợp quốc tế vì các nhà đầu tư có thể hoạt động ở hơn 200 quốc gia. Đặc biệt, ông cho rằng, hiện trên thế giới có tới hơn 30 "thiên đường thuế." Bởi vậy, ngoài việc kiểm tra dòng tiền luân chuyển thì sự phối hợp giữa các nước là điều kiện “cần và đủ” để thực hiện kiểm soát hữu hiệu và giảm tới mức thấp nhất khả năng trốn thuế, rửa tiền.

Góp thêm ý kiến, ông Phụng cho rằng, cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực cho cán bộ công chức trong ngành để giám sát được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong điều kiện các thủ tục thuế đang ngày càng được đơn giản hóa.

“Chúng ta phải rà soát lại các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để thấy xem cái nào lâu rồi và không phù hợp thì phải thực hiện đàm phán lại,” ông Phụng nói.

Đau đầu tìm thông tin nước ngoài?

Cũng về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Phụng thừa nhận, có tình trạng doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế rồi… dừng. Ông lấy ví dụ về chính sách ưu đãi với mức thuế 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm thuế trong 9 năm tiếp theo cho các dự án đầu tư mới tại các địa bàn khó khăn để khuyến khích đầu tư. Theo ông, đây rõ ràng là chính sách với động cơ rõ ràng nhưng thực tế, có nhà đầu tư gần hết thời hạn ưu đãi trên thì nhanh chân cuốn gói, phá sản.

“Họ 'ăn' hết ưu đãi thuế và chẳng làm gì nữa,” đại diện ngành thuế lên tiếng.

Bởi vậy, theo ông, một trong điều cần làm hiện tại là rà soát lại hệ thống luật pháp, thể chế để tổng kết thực tiễn xem thời gian qua những ưu đãi nào là phù hợp và chính sách nào cần cắt bỏ.

“Chỉ có luật pháp thay đổi thì mới có căn cứ quản lý rõ ràng,” ông Nguyễn Văn Phụng nói.

Về vấn đề chống chuyển giá, ông Phụng cho rằng, phía cơ quan thuế đã báo cáo lên Bộ Tài chính về việc mua thông tin của cơ quan nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông, đây là bài toán "đau đầu" bởi điều quan trọng là tìm ra được nguồn thông tin tin cậy, có giá trị. Ngoài ra, câu hỏi đặt ra là cán bộ nào sẽ thẩm định được những thông tin sẽ mua. Đây là những vấn đề theo ông vẫn đang được cơ quan chức năng bàn tính.

“Cơ chế mua thông tin trong chống gian lận thương mại, quản lý thị trường đã có rồi nhưng mua thông tin quản lý thuế thì hiện tại mới có. Hiện tại, cơ quan chức năng vẫn đang trình cơ chế,” đại diện Tổng cục Thuế cho hay.

Song song với việc mua thông tin nước ngoài, ông Phụng cho biết thêm, ngành thuế cũng đang tự xây dựng cơ sở dữ liệu của riêng mình dựa trên cơ sở thanh tra, kiểm tra.

Những số liệu thanh kiểm tra theo ông sẽ được đưa vào hệ thống để cơ cơ sở so sánh, đối chiếu. Thậm chí, thông tin từ báo chí cũng là nguồn được đưa vào để tham khảo trong quá trình chống chuyển giá trong thời gian tới./.

Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) là một thành viên của Liên đoàn ActionAid Quốc tế (AAI). Theo giới thiệu, AAV đã bắt đầu các chương trình phát triển tại các khu vực nghèo và xa xôi của Việt Nam từ năm 1989, đến nay AAV đang hỗ trợ gần 30 tỉnh thành phố trên cả nước. Các hoạt động của AAV chú trọng vào nâng cao nhận thức, hiểu biết và năng lực của người nghèo và thiệt thòi, qua đó tự làm chủ cuộc sống kinh tế, xã hội và chính trị của gia đình mình, cộng đồng mình, hướng đến phát triển hài hòa, bền vững và công bằng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục