Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp

Hôm nay 1/4, Tổng Điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 bắt đầu trong sự thách thức lớn nhất từ trước tới nay khi lần đầu tiên triển khai theo kiểu “3 trong 1.”

Tổng điều tra năm 2012 này kết hợp cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và hai cuộc điều tra thường xuyên là điều tra doanh nghiệp và điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể nên có phạm vi rộng nhất, phức tạp nhất do liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau thuộc khối doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Hôm nay 1/4, Tổng Điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 bắt đầu trong sự thách thức lớn nhất từ trước tới nay khi lần đầu tiên triển khai theo kiểu “3 trong 1.”

Nhân sự kiện này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê về những giải pháp nhằm đảm bảo kết quả tổng điều tra đáp ứng yêu cầu “khách quan, chính xác, kịp thời” để làm căn cứ quan trọng giúp Đảng, Nhà nước đề ra các quyết sách phù hợp thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cơ cấu đầu tư công.

- Xin Tổng Cục trưởng đánh giá mức độ phức tạp và khó khăn của tổng điều tra 2012 so với các tổng điều tra trước đây?


Ông Đỗ Thức: Tổng điều tra năm 2012 này kết hợp cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và hai cuộc điều tra thường xuyên là điều tra doanh nghiệp và điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể nên có phạm vi rộng nhất, phức tạp nhất do liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau thuộc khối doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Sau 5 năm kể từ tổng điều tra năm 2007, không chỉ số lượng các đối tượng điều tra tăng lên gấp bội và ngay cả tính đa dạng, phức tạp của các cơ sở cũng lớn hơn rất nhiều. Theo đó, tổng điều tra 2012 thực hiện điều tra toàn bộ đối với các loại đơn vị điều tra thuộc 19 nhóm ngành kinh tế (từ ngành A đến ngành S theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam -VSIC 2007) với 5 nhóm nội dung chủ yếu gồm: Thông tin nhận dạng cơ sở; Lao động và thu nhập của người lao động; Kết quả sản xuất, kinh doanh, tình hình hoạt động; Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; Tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, tổng điều tra 2012 lại diễn ra vào đúng thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn nên đây cũng là một khó khăn gián tiếp tác động đến khối doanh nghiệp rất nhiều. Ngoài ra, do tổng điều tra trải dài trên phạm vi toàn quốc và đến tận các đơn vị hành chính nhỏ nhất là xã phường trong khi mức độ tập trung các đối tượng điều tra lại không đồng đều (khác hẳn với Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở); trong đó hai Trung tâm kinh tế đầu não của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đông nhất các cơ sở điều tra đòi hòi sự chỉ đạo cũng phải đặc biệt hơn.

Theo đó, tổng điều tra 2012 này sẽ được Tổng cục Thống kê triển khai theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 1/4 với đối tượng điều tra là khối doanh nghiệp. Giai đoạn 2 từ ngày 1/7 với khối cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh doanh cá thể và khối tôn giáo, tín ngưỡng.

- Kết quả tổng điều tra 2012 sẽ là căn cứ quan trọng giúp Đảng và Nhà nước đề ra những quyết sách phù hợp cho tái cấu trúc doanh nghiệp, đầu tư công. Vậy đâu là “mấu chốt” để kết quả thu được là “khách quan, chính xác, kịp thời” thưa Tổng Cục trưởng?

Ông Đỗ Thức: “Khách quan, chính xác, kịp thời” luôn là yêu cầu cần thiết trong các tổng điều tra nói chung và trong tổng điều tra 2012 này bởi kết quả thu được không những làm cơ sở cho các ngành, các cấp điều chỉnh, bổ sung chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng…mà còn là căn cứ quan trọng để Đảng, Nhà nước có những quyết sách hữu hiệu trong tái cấu trúc doanh nghiệp, đầu tư công phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015.

Vì vậy, trong quá trình tổ chức điều tra, mấu chốt chính là sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo thống nhất xuyên suốt được triển khai quyết liệt từ Ban Chỉ đạo trung ương đến ban chỉ đạo các cấp, các ngành, từng địa phương, ban chỉ đạo xã, phường, ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị tài liệu cũng rất kỹ càng bởi đây là khâu tiền đề giúp cho các khâu tiếp theo được thành công.

Đặc biệt, do phương pháp điều tra lần này là phỏng vấn gián tiếp kết hợp với phỏng vấn trực tiếp nên chất lượng thông tin thu được phụ thuộc nhiều vào điều tra viên và đối tượng thu thập thông tin. Vì vậy, quá trình tuyển chọn tổ trưởng, giám sát viên đã được tiến hành rất cẩn thận theo đúng phương án; công tác tập huấn, tuyên truyền cũng được thực hiện nghiêm túc nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về nội dung thông tin, tầm quan trọng của tổng điều tra, quyền lợi và trách nhiệm; từ đó tự giác điền chính xác các thông tin. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, điều gia gián tiếp giúp doanh nghiệp có nhiều thời gian khai kỹ lưỡng thông tin, cộng với việc giám sát chặt chẽ trước, trong và sau quá trình tập huấn, khai thông tin và thu bảng điều tra sẽ giúp tổng điều tra đảm bảo được độ chính xác; đồng thời rút ngắn được thời gian thu thập, xử lý số liệu thông tin thống kê.

Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ các lần tổng điều tra trước đây, tổng điều tra 2012 này đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn khái niệm “đơn vị cơ sở” nhằm phản ánh đúng mục tiêu của tổng điều tra và lập dàn mẫu điều tra của ngành Thống kê cho những năm sau.

Với chức năng quản lý nhà nước được phân công, các ngành, các cấp tham gia Ban chỉ đạo Tổng điều tra tiếp tục chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin từ khâu lập danh sách nền, rà soát danh sách thực tế các đơn vị điều tra, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ khâu điều tra thu thập thông tin nhằm đảm bảo đúng tiến độ, khối lượng và chất lượng công việc.

- Thực tế cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc giải thể nhưng lại không đến các cơ quan chức năng để chính thức “khai tử”. Vậy với nhóm doanh nghiệp đã “chết” nhưng chưa “khai tử” này, tổng điều tra 2012 sẽ có phương án xử lý như thế nào để đảm bảo tính chính xác của thông tin, thưa Tổng cục trưởng?

Ông Đỗ Thức:
Con số thống kê về số lượng doanh nghiệp hiện nay rất khác nhau, tùy thuộc vào từng cơ quan cung cấp: Có nguồn là 550 nghìn doanh nghiệp, có nguồn là 500 nghìn và một nguồn khác thì lại là 400 nghìn doanh nghiệp. Theo đó, Tổng cục Thống kê đang thu thập, tổng hợp số doanh nghiệp đang thực tế hoạt động, cơ quan thuế thì tổng hợp số doanh nghiệp đang có mã thuế, còn cơ quan kế hoạch đầu tư lại đang tổng hợp số doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký sau khi trừ đi số doanh nghiệp “khai tử.”

Vì vậy, với mục tiêu phải xác định được một con số cơ bản thống nhất về doanh nghiệp, tiêu thức thống kê với khối doanh nghiệp trong tổng điều tra 2012 này sẽ gồm: Số lượng doanh nghiệp đang thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và có sản phẩm, doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư chuẩn bị đi vào sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tạm dừng sản xuất hoặc vì khó khăn mà thu hẹp hoạt động và nhóm doanh nghiệp khá phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp “ma” tồn tại trên sổ sách nhưng lại không tìm thấy trong thực tế. Kết quả phối hợp rà soát vừa qua giữa các cơ quan chức năng cho thấy có tới 70 nghìn doanh nghiệp “ma” hiện không tìm thấy địa chỉ.

Theo tôi, với các tiêu thức đề ra như vậy, kết quả tổng điều tra 2012 sẽ đầy đủ hơn, chính xác hơn và vì vậy sẽ giúp được cơ quan quản lý có được sự đánh giá chính xác, khách quan nhất để từ đó đề ra được các giải pháp quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp nhất.

- Xin cảm ơn Tổng Cục trưởng!/.


Nguyễn Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục