Tổng Giám đốc công nghệ Uber toàn cầu bộc bạch quan điểm về start-up

Tổng Giám đốc công nghệ của Uber toàn cầu cho rằng, Chính phủ cần giúp start-up bằng cách ban hành những quy định thông minh, khuyến khích sự cạnh tranh, đổi mới sáng tạo.
Tổng Giám đốc công nghệ Uber toàn cầu bộc bạch quan điểm về start-up ảnh 1Ông Thuận Phạm, Tổng Giám đốc Công nghệ của Uber truyền lửa cho start-up Việt tại Hà Nội. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tổng Giám đốc công nghệ của Uber toàn cầu, ông Thuận Phạm cho rằng, Chính phủ không nhất thiết phải đầu tư vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) mà điều quan trọng là ban hành những quy định thông minh, khuyến khích sự cạnh tranh, đổi mới sáng tạo.

Ông cũng nhắn nhủ cộng đồng start-up phải có suy nghĩ mới, vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống, không lo sợ rủi ro, thất bại trên con đường của mình…

Lớn lên từ thất bại

Sự kiện “Cùng công nghệ làm nên điều kỳ diệu” được tổ chức tại Hà Nội sáng 25/7 đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng start-up bởi sự xuất hiện của Thuận Phạm, Tổng Giám đốc công nghệ của Uber toàn cầu - người được xem là kỹ sư gốc Việt thành công nhất tại Thung lũng Silicon (Mỹ) hiện nay.

[Lãnh đạo gốc Việt của Uber sẽ chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp]

Thuận Phạm gia nhập Uber vào năm 2013, khi đó Uber mới chỉ có mặt tại 60 thành phố và mỗi ngày chỉ có khoảng 13.000 chuyến, khoảng 40 kỹ thuật viên. Trong 4 năm, ông đã không ngừng phát triển khối kỹ thuật lên tới hơn 2.000 người [trong đó có hơn 10 kỹ sư người Việt hoặc gốc Việt-pv], và giải quyết rất nhiều thách thức đặt ra trong quá trình tăng trưởng mạnh mẽ của Uber. Hiện, dịch vụ này đã có mặt tại hơn 450 thành phố trên khắp thế giới với hàng chục triệu chuyến xe mỗi ngày.

Thành công không trải hoa hồng. Thuận Phạm kể rằng ông đã gặp vô số những thất bại trên con đường trở thành một “đế chế” ở thời điểm hiện tại.

Đó là ở giai đoạn đầu tiên khi gia nhập Uber, Thuận Phạm suy nghĩ đến việc trong thiết kế hệ thống, nếu “tháo chiếc hộp” ở Trung tâm dữ liệu thì sẽ thế nào? Các kỹ sư của ông đã trả lời là cả hệ thống sẽ “chết” nếu như điều đó xảy ra.

Bài toán của Thuận Phạm đưa ra là phải làm sao để khi tháo hộp đó, hệ thống của Uber vẫn hoạt động bình thường. Thế nhưng, khi công việc còn dang dở thì card mạng bị hỏng khiến toàn bộ hoạt động của Uber tại Chicago (Mỹ) bị sự cố trong khoảng 90 phút.

Hay ở trường hợp khác, một kỹ sư cố gắng cải thiện chức năng trong hệ thống và phải khởi động lại. Điều này dẫn đến chuỗi phản ứng, ảnh hưởng tới hệ thống cũng khoảng 90 phút…

Sau những sự cố như vậy, Uber phải xem xét lại toàn bộ các vấn đề để cải thiện chất lượng dịch vụ, ổn định về kỹ thuật cũng như xây dựng những quy trình xử lý sự cố kịp thời. Các sự cố đều được đúc kết thành bài học để rút kinh nghiệm trong toàn bộ đội ngũ.

Uber cũng chia các nhóm vấn đề khác nhau theo cấp từ 1-5. Trong đó, cấp thứ 5 là cấp sẽ tác động, ảnh hưởng đến người sử dụng dịch vụ để xử lý kịp thời.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông nhấn mạnh dù là doanh nghiệp lâu năm hay start-up, điều quan trọng là đừng để khi xảy ra thảm họa hay sự cố kéo dài sang ngày thứ hai mới xử lý. Bởi điều này sẽ khiến khách hàng mất niềm tin, thất vọng. Do đó, cần phải rà soát thường xuyên, từng phút để nắm bắt vấn đề và xử lý kịp thời.

Tổng Giám đốc công nghệ Uber toàn cầu bộc bạch quan điểm về start-up ảnh 2Ông Thuận Phạm (trái) cho hay trong môi trường khởi nghiệp ở Mỹ và một số quốc gia, các start-up không dựa vào nguồn lực tài chính từ Chính phủ. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Đừng trông vào tài trợ

Trả lời câu hỏi của phóng viên VietnamPlus bên lề sự kiện, ông Thuận Phạm nhận định giới trẻ Việt Nam tài năng, có chí tiến thủ và khao khát vươn lên. Tiềm năng khởi nghiệp tại Việt Nam rất lớn.

Ông cũng cho biết các kỹ sư gốc Việt tại Uber năng lực không hề thua kém các đồng nghiệp của mình.

Để thành công, lãnh đạo của Uber khuyên cộng đồng start-up nên có tư duy, triết lý, cách nghĩ đúng đắn, luôn hướng đến sự thay đổi và bản chất của start-up là sẵn sàng làm những thứ chưa từng tồn tại, chưa từng có.

“Chúng ta phải có cách suy nghĩ mới, vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống và táo bạo trong cách làm của mình. Đó là thái độ mà start-up cần có, sẵn sàng chớp cơ hội và ko nên lo sợ rủi ro,” Thuận Phạm nói.

[CEO DesignBold: Khởi nghiệp phải làm như cách của… hacker]

Ông cũng cho rằng, giới trẻ không nên suy nghĩ quá nhiều về con đường mình sẽ đi như thế nào mà quan trọng là tối ưu hóa những gì học được, nghĩ về những việc sẽ làm, sẽ gặp thách thức nào và phải liên tục học hỏi để mang lại cho mình kỹ năng mới.

Trong giai đoạn đầu tiên của khởi nghiệp, theo ông Thuận Phạm, các start-up cần tập trung chú trọng tìm ra vấn đề mình muốn giải quyết và sản phẩm dịch vụ sẽ cung cấp và đừng trông chờ vào tài trợ của Chính phủ hay một bên nào khác. Star-up khi có ý tưởng tốt, được thị trường chứng minh thì sẽ không thiếu nhà đầu tư.

Nói về vai trò của nhà nước, ông Thuận Phạm cho hay trong môi trường khởi nghiệp ở Mỹ và một số quốc gia, các start-up không dựa vào nguồn lực từ Chính phủ trong vài trò nhà đầu tư.

“Tôi cho rằng Chính phủ có vai trò quan trọng với cộng đồng khởi nghiệp nếu ban hành những được quy định thông minh, khuyến khích sự cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng công bằng và tinh thần kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Chính phủ không nhất thiết đầu tư vốn cho start-up vì rủi ro cao. Việc tài trợ cho cộng đồng start-up nên là vai trò của các nhà đầu tư,” ông Thuận Phạm nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục