CEO DesignBold: Khởi nghiệp phải làm như cách của… hacker

Người sáng lập ra DesignBold, công cụ thiết kế trực tuyến có bước khởi nghiệp khá thành công trong năm 2016 đã chia sẻ về độ tuổi, cách làm khởi nghiệp cho cộng đồng...
CEO DesignBold: Khởi nghiệp phải làm như cách của… hacker ảnh 1Hùng Đinh-CEO của DesignBold cho rằng độ tuổi đủ chín để khởi nghiệp là từ 29-30. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nhiều start-up đã gọi được nguồn vốn lớn, phát triển sản phẩm của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, đã có không ít người thất bại.

Nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu, Hùng Đinh, người sáng lập ra DesignBold, công cụ thiết kế trực tuyến dành Quán quân của Creative Business Cup Việt Nam, Quán quân Echelon Vietnam 2016, giải “Khởi nghiệp của năm” tại Vietnam Start-up Festival 2016 đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về khởi nghiệp với độc giả VietnamPlus.

29-30 tuổi là đủ chín để khởi nghiệp

- Vài năm gần đây, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2016, DesignBold cũng đã tạo ra một hiện tượng khi dù mới trình làng vào 25/10 song đã có lượng khách hàng đáng nể và “ẵm” rất nhiều giải thưởng về khởi nghiệp. Anh nhận định gì về khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam?

Hùng Đinh: Phải ghi nhận rằng phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam trong 1-2 năm gần đây là rất tốt. Năm 2016 ghi nhận nhiều trưởng thành khi trong hệ sinh thái khởi nghiệp có các thương vụ đầu tư lớn và có cả những thất bại. Điều này có nghĩa, chúng ta đang trải qua những bước đầu tiên, môi trường khởi nghiệp chuyên nghiệp hơn.

Thế nhưng, khởi nghiệp là công việc khó khăn. Để tránh thất bại, tôi cho rằng các bạn trẻ trước khi khởi nghiệp cần đủ độ “chín.” Các bạn nên đi trải nghiệm ở một môi trường công ty khởi nghiệp từ 3-5 năm để cảm nhận và va vào những khó khăn, các vấn đề mà mình sẽ gặp phải trong quá trình khởi nghiệp. Để sau này, khi tiến hành khởi nghiệp, các kinh nghiệm ấy sẽ giúp bạn giảm tổn thất…

Khởi nghiệp quá sớm thì cơ hội thành công sẽ không cao.

Còn với anh em đã từng khởi nghiệp, dù thành công hay thất bại, tôi nghĩ các bạn nên chia sẻ cho cộng đồng nhiều hơn. Điều này không có nghĩa là sa đà vào các hoạt động bề nổi mà qua những việc cụ thể, các bạn nên chia sẻ cùng anh em start-up về kinh nghiệm của mình.

- Thế theo anh, độ tuổi nào là phù hợp để khởi nghiệp nhất?

Hùng Đinh: 30 tuổi là tốt nhất, hoặc có thể sớm hơn đó 1-2 năm. Bản thân Hùng khởi nghiệp từ năm 25-26 tuổi nhưng mình nghĩ nếu khởi nghiệp ở tuổi 30 thì xác suất thành công và tầm nhìn, khả năng bứt phá sẽ nhanh hơn.

Có nhiều người khởi nghiệp sớm, nhưng con đường mình vận hành một doanh nghiệp, một sản phẩm khởi nghiệp sẽ hơi lâu vì còn hơi “non.” Cùng một đích tới, nếu mình xuất phát từ lúc 25 tuổi thì có thể tới 32-33 tuổi sẽ tới nơi, nhưng nếu chậm hơn khoảng 29-30 tuổi thì 3-4 năm sau vẫn đạt được mốc đó và thậm chí còn tới mốc xa hơn…

- Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến về khởi nghiệp. Có người thì nói nên bán cái áo cuối cùng của mình đi để khởi nghiệp vì có “đau” thì mới xót và nỗ lực hết sức, trong khi có người thì nói khởi nghiệp là rất cần vốn. Anh nghĩ thế nào?

Hùng Đinh: Tôi cho rằng khởi nghiệp phải dũng cảm, luôn sẵn sàng cho thất bại. Tuy nhiên, nếu như hoàn cảnh gia đình mình không cho phép thất bại, hoặc thất bại sẽ ảnh hưởng lớn tới người khác thì phải cân nhắc kỹ. Còn nếu đủ tự tin, cảm thấy sẵn sàng đối mặt với trắng tay thì là điều tuyệt vời.

Ưu điểm của khởi nghiệp là thường là những người trẻ - đối tượng mà trách nhiệm dành cho gia đình, gánh nặng cơm áo gạo tiền không quá nhiều. Tuy nhiên, khởi nghiệp cũng nhiều rủi ro nên phải cân nhắc kỹ đừng để rủi ro cho người thân…

Hiện nay gọi vốn không quá khó. Tôi đồng tình việc đi gọi vốn là cần thiết vì đây là nguồn lực quan trọng. Có nhiều mô hình, có mô hình không có tiền cũng vẫn sống được, nhưng nếu có vốn lớn thì gia tốc triển sẽ mạnh mẽ hơn và cái đó là cái cần phải làm để loại bỏ đối thủ trong hành trình của mình.

Phải đi bằng tốc độ tên lửa

- Theo anh, cái mà cộng đồng khởi nghiệp cần nhất hiện nay là gì?

Hùng Đinh: Điều mà cộng đồng khởi nghiệp cần nhất chính là kết nối ra bên ngoài. Chúng ta đang có kết nối rất lỏng lẻo, gần như không có lực với thế giới bên ngoài về khởi nghiệp.

Chúng tôi không hề thấy một chương trình chính thức nào của Việt Nam đi giao lưu, tham quan; không có chương trình hấp dẫn thu hút đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam theo con đường khởi nghiệp.

Thực tế thì cơ quan chức năng cũng có một số dự án, nhưng triển khai quá chậm. Khởi nghiệp của thế giới đã tới… Mặt Trăng mà chúng ta đi bằng tàu lửa thì chẳng bao giờ tới được. Chúng ta phải đi bằng tàu siêu tốc, tên lửa thì mới kịp vì tốc độ phát triển của nước ngoài rất nhanh.

Tôi cho rằng, bất kỳ chính sách nào 2-3 năm chưa có kết quả thì những kết quả đầu tiên của các chính sách đó sẽ không còn phù hợp nữa.

Hy vọng 2017, những chính sách này cần cụ thể hơn và được thực hiện lập tức.

- Theo như anh nói thì cộng đồng khởi nghiệp của chúng ta đang “tự bơi” là chính…?

Hùng Đinh: Tôi hay dùng từ là “dò đá qua sông.” Đã là khởi nghiệp thì việc này là cần thiết, đó là cách mà hacker vẫn làm.

Mà đã là khởi nghiệp thì phải làm đúng cách của hacker chứ còn mọi thứ rõ ràng rồi thì không tạo được sự đột phá.

- Thế thì vai trò “bà đỡ” của cơ quan chức năng sẽ là thế nào?

Hùng Đinh: Khi bạn làm việc mà có hệ sinh thái hỗ trợ, bạn sẽ làm việc tốt hơn. Ví dụ như nếu được gặp những người khởi nghiệp thành công hằng ngày, được tiếp xúc, làm việc với họ thì việc “dò đá” sẽ nhanh hơn.

CEO DesignBold: Khởi nghiệp phải làm như cách của… hacker ảnh 2Hùng Đinh đang trao đổi với nhân viên đồ họa về ý tưởng thiết kế. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

- Điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là gì, có phải là ý tưởng không?

Hùng Đinh: Theo tôi, ý tưởng không bao giờ là yếu tố quan trọng nhất mà chính là cách thực thi.

Thường không có ý tưởng mới, chỉ có cách làm mới và vấn đề giải quyết là gì. Bạn đừng có “đóng đinh” vào ý tưởng mà quên mất mình đang giải quyết vấn đề gì, giá trị mang lại là gì? Bởi, cũng vấn đề mà có hàng trăm cách giải quyết khác nhau. Thế nên, ý tưởng trở thành một cái tương đối quan trọng, chứ không phải là quan trọng nhất.

Ví dụ như DesignBold chẳng hạn, vấn đề chúng tôi giải quyết là sự thụ động của người thiết kế khi bắt tay vào công việc. Ở công việc truyền thống, họ nhận được yêu cầu không đầy đủ của khách hàng và phải suy nghĩ tới 90% còn lại cho sản phẩm. Và, chúng tôi đặt ra vấn đề giải quyết sự tương tác trong thiết kế. Để làm cái này, tôi có thể làm DesignBold hoặc một ứng dụng nào đó để giải quyết…

Bạn sẽ thành công khi giải quyết nhu cầu đủ lớn. Và, khi làm khởi nghiệp, cần đánh giá đầy đủ chi phí, công sức về mặt thay đổi thói quen bởi để thay đổi thói quen người dùng là không dễ…

- Xin cảm ơn anh!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục