Tổng kết phân giới cắm mốc biên giới Việt-Trung

Hơn 200 đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền VN-Trung Quốc tổ chức tại Hà Nội.
Ngày 12/5, tại Hà Nội, hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành và 7 tỉnh biên giới phía Bắc đã tham dự Hội nghị Tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Tại hội nghị, ông Hồ Xuân Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc trình bày báo cáo tổng kết quá trình phân giới cắm mốc và giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc; đồng thời nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác quản lý biên giới trong thời gian tới.

Hội nghị đã nghe tham luận của Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc các Bộ Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường… và Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc Phạm Gia Khiêm đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt-Trung; đồng thời biểu dương đóng góp của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác quan trọng này.

Phó Thủ tướng chỉ rõ 5 nhiệm vụ cần tiếp tục quán triệt trong thời gian tới nhằm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và xây dựng đường biên giới đất liền Việt-Trung hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài.

Một là, các bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai có hiệu quả các văn kiện biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc theo Chỉ thị số 1326 ngày 27/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Hai là, phối hợp, hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc trong việc quản lý đường biên giới; cùng với phía Trung Quốc vận hành có hiệu quả cơ chế Ủy ban liên hợp biên giới và Đại diện biên giới hai nước.

Ba là, các địa phương biên giới phía Bắc cần tranh thủ cơ hội thuận lợi được tạo ra mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế phục vụ phát triển kinh tế của địa phương; quan tâm đến công tác quản lý biên giới, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh.

Bốn là kiện toàn bộ máy tổ chức Ban chỉ đạo về biên giới đất liền từ trung ương đến địa phương để chỉ đạo, điều hành công tác quản lý biên giới phù hợp với tình hình mới; Năm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả ở trong và ngoài nước để dư luận thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hoàn thành phân giới cắm mốc và giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục