Báo cáo của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho thấy, sau 7 năm đi vào hoạt động (28/3/2008 – 28/3/2015) tổng tài sản của ngân hàng này tăng 14 lần so với thời điểm thành lập và hiện đang dẫn đầu so với các ngân hàng thương mại cổ phần ra đời cùng thời điểm.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản LienVietPostBank tăng từ 7.453 tỷ đồng lên 100.800 tỷ đồng, gấp 14 lần; huy động vốn đạt 91.759 tỷ đồng, tăng 24 lần, trong đó chủ yếu là từ nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, thể hiện tính ổn định, bền vững trong tăng trưởng nguồn vốn huy động của LienVietPostBank.
Trong khi đó, dư nợ đạt 50.076 tỷ đồng, tăng 19 lần, góp phần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế và tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức 1,23%, thấp hơn so với các ngân hàng thương mại khác và thấp hơn nhiều so với mức tối đa mà Đại hội đồng cổ đông cho phép (3%).
Cũng sau 7 năm hoạt động, tổng lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt gần 5.000 tỷ đồng, bình quân hơn 700 tỷ đồng/năm, tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt được duy trì hàng năm và đảm bảo ở mức trung bình 10-15%/năm.
Quy mô của ngân hàng này cũng đã có sự tăng trưởng gấp nhiều lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động năm 2008. Hiện ngân hàng sở hữu mạng lưới gồm gần 100 chi nhánh/phòng giao dịch và hơn 10.000 điểm cung cấp dịch vụ trên hệ thống Phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc. Với thế mạnh vượt trội đó, LienVietPostBank hiện đang là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc đổi mới biên chế, chi phí mở rộng mạng lưới và trích lập dự phòng rủi ro cao, tập trung đầu tư phát triển công nghệ chính là lý do lợi nhuận năm 2014 của LienVietPostBank giảm từ 644 tỷ đồng xuống còn 535 tỷ đồng so với năm 2013.
Chia sẻ và những kết quả đạt được trong 7 năm qua, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng, cho biết: Điểm khác biệt của LienVietPostBank trong những năm qua là, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khủng hoảng, LienVietPostBank vẫn không những không giảm biên chế mà còn tăng biên chế so với những năm trước (chỉ đổi mới biên chế). Số lượng nhân sự đến cuối năm 2014 là gần 4.000 cán bộ công nhân viên, tăng gấp 10 lần so với thời điểm thành lập và dự kiến tiếp tục gia tăng.
Đáng chú ý, về hoạt động kinh doanh ngoại tệ, tính riêng trên thị trường liên ngân hàng, doanh số giao dịch ngoại tệ của LienVietPostBank năm 2014 tăng gần 40% so với năm 2013. Doanh số giao dịch ngoại tệ của LienVietPostBank với Ngân hàng Nhà nước cũng tăng mạnh, đạt hơn 1,5 tỷ USD. Hoạt động này đưa LienVietPostBank tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng có giao dịch ngoại tệ nhiều nhất với Ngân hàng Nhà nước.
Doanh số giao dịch hoán đổi ngoại tệ của LienVietPostBank đạt hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2014 đưa LienVietPostBank nằm trong top 10 ngân hàng có doanh số giao dịch hoán đổi ngoại tệ lớn nhất thị trường. Tuy thời gian hoạt động còn rất khiêm tốn nhưng LienVietPostBank đã và đang khẳng định vị thế là một đối tác năng động, tích cực và hiệu quả trên thị trường liên ngân hàng.
Năm 2015 được LienVietPostBank xác định là năm bản lề trong quá trình chuyển đổi hoạt động của ngân hàng với định hướng mục tiêu “Ngân hàng của mọi người” nên sẽ tập trung triển khai các chiến dịch bán hàng quy mô lớn, chăm sóc khách hàng và bán chéo sản phẩm giữa các kênh bán hàng truyền thống và các kênh thay thế mới.
Ông Hưởng nhấn mạnh: “Năm 2015, một điểm mới đặc biệt và duy nhất so với các ngân hàng khác, đó là ra đời “Tài khoản lưỡng tính” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay và gửi tiền. Trong điều kiện nguồn vốn đang dư thừa, LienVietPostBank thực hiện phương châm cán bộ ngân hàng phải tổ chức nghiên cứu kinh tế, tìm ra các đối tượng đầu tư. Chẳng hạn như việc phát triển cây mắc ca, cán bộ tín dụng ngân hàng phải là người nông dân thực thụ để hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng mắc ca hiệu quả vào 5-7 năm tới, LienVietPostBank sẽ dành 20.000-22.000 tỷ đồng để cho vay phát triển mắc ca tại Việt Nam.”