Ngày 26/12, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi kêu gọi bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Chính phủ Libya, cho rằng động thái này sẽ hỗ trợ lực lượng quân đội và cảnh sát quốc gia Libya trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Tại cuộc hội đàm cùng ngày ở thủ đô Cairo với ông Fayez Al-Sarraj, nhân vật vừa được chỉ định làm Thủ tướng chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya, Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh rằng việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya sẽ có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực hỗ trợ quốc gia Bắc Phi chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Trước đó, vào tháng Tám vừa qua, Tướng Khalifa Haftar, Tư lệnh quân đội của chính phủ được quốc tế công nhận ở Libya, cho biết ông đã nhận được cam kết hỗ trợ từ phía Liên đoàn Arab nhằm tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở thành phố Sirte, song các nỗ lực này vẫn chưa được thực hiện do thiếu vũ khí.
Trong khi đó, để ngăn chặn các nguy cơ khủng bố từ khu vực biên giới phía Tây, Ai Cập đã tăng cường lực lượng an ninh dọc tuyến biên giới dài khoảng 1.000km giáp với Libya, nơi IS đang khai thác triệt để các khoảng trống an ninh để mở rộng địa bàn hoạt động, trong bối cảnh xung đột ngày một leo thang giữa các phe phái đối địch tại nước này.
Trong một diễn liên quan, Đại sứ Libya tại Liên hợp quốc Ebrahim Dabbashi mới đây nói rằng nước này hiện chưa cần các quốc gia như Mỹ và Anh can dự quân sự bằng các chiến dịch không kích để tiêu diệt IS. Thay vào đó, quan chức ngoại giao Libya mong muốn Liên hợp quốc nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Chính phủ Libya, qua đó giúp lực lượng quân đội nước này có thể tự bảo vệ mình trước các nhóm khủng bố.
Libya đã rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. GNC là quốc hội đã mãn nhiệm của Libya song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của các nhóm phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk ở miền Đông Libya.
Quốc gia Bắc Phi này rơi vào tình trạng có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song. Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho các cuộc đối thoại giữa các phe phái đối địch nhưng xung đột vẫn tiếp diễn bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí./.