Kế hoạch thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya gặp trắc trở

Lãnh đạo hai quốc hội đối địch ở Libya đã bác thỏa thuận hòa bình của Liên hợp quốc, một ngày trước khi hai bên dự kiến ký thỏa thuận này.
Kế hoạch thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya gặp trắc trở ảnh 1Đại diện Quốc hội Libya được quốc tế công nhận Ibrahim Fethi Amish (giữa) tại cuộc họp báo sau đàm phán ở ngoại ô Tunis, Tunisia ngày 6/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/12, lãnh đạo hai quốc hội đối địch ở Libya đã bác thỏa thuận hòa bình của Liên hợp quốc, một ngày trước khi hai bên dự kiến ký thỏa thuận này.

Diễn biến trên làm dấy lên quan ngại rằng sự chia rẽ sâu sắc sẽ thách thức các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này.

Theo hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai phe đối địch ở Libya gặp nhau kể từ khi xung đột nổ ra cách đây hơn một năm.

Cả hai bên đều cho rằng đây là một bước tiến song nhấn mạnh thỏa thuận trên chịu áp lực từ các cường quốc thế giới và đề nghị cần thêm thời gian để đưa ra một sáng kiến cho Libya.

Trả lời báo giới, Chủ tịch Hạ viện được quốc tế công nhận ở miền Đông, ông Aguila Saleh, nêu rõ: "Việc Libya cần sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế là không phải bàn cãi, tuy nhiên chúng tôi bác bỏ mọi áp lực từ bên ngoài. Không ai có thể gây áp lực hay thay đổi suy nghĩ của tôi."

Về phần mình, ông Nuri Abu Sahmain, người đứng đầu Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC) đối địch - cơ quan lập pháp cũ của Libya ở thủ đô Tripoli, cho biết cơ quan lập pháp này sẽ xem xét các điều khoản trong thoa thuận của Liên hợp quốc, song yêu cầu cộng đồng quốc tế coi cuộc gặp của giới chức 2 phe đối địch là giải pháp để tiến tới một sự đồng thuận cho Libya.

Giới chức ôn hòa từ hai quốc hội đối địch và những thành viên độc lập đã lên kế hoạch ký thỏa thuận trên vào ngày 16/12, một thỏa thuận nhằm kêu gọi thành lập một chính phủ thống nhất và một lệnh ngừng bắn.

Hiện vẫn chưa có thông báo về việc thoả thuận này có được ký hay không. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Liên hợp quốc, việc ký thỏa thuận tạm thời lùi sang ngày 17/12.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011.

GNC là quốc hội đã mãn nhiệm của Libya song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của các nhóm phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya.

Quốc gia Bắc Phi này rơi vào tình trạng có 2 chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho các cuộc đối thoại giữa các phe phái đối địch, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục