Ngày 16/12, phát biểu khi tới thành phố Parana (Argentina) để dự hội nghị thượng đỉnh khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Tổng thống Bolivia Evo Morales khẳng định Mỹ đứng đằng sau việc giá dầu giảm mạnh trên thị trường quốc tế nhằm gây thiệt hại kinh tế cho Venezuela và Nga.
Theo nhà lãnh đạo cánh tả Bolivia, giá dầu lao dốc không phải là ngẫu nhiên mà là một âm mưu của Washington chống Venezuela và Nga.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro và người tiền nhiệm đã quá cố Hugo Chávez, luôn phải đối mặt với những mưu đồ chính trị của Mỹ. Sau khi không lật đổ được ông Maduro thông qua gây sức ép chính trị và biện pháp dân chủ, Mỹ tìm cách lật đổ ông thông qua cuộc chiến kinh tế.
Venezuela có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Việc giá dầu rơi tự do trong thời gian gần đây ảnh hưởng mạnh tới ngân sách của quốc gia Nam Mỹ theo đường lối cánh tả này.
Tổng thống Morales cho hay Bolivia cũng từng là mục tiêu tấn công kinh tế tương tự của Mỹ. Theo vị nguyên thủ đầu tiên mang dòng máu thổ dân này, năm 1982, khi Tổng thống cánh tả Hernán Siles Zuazo lên cầm quyền và đưa ra những thay đổi tiến bộ tại Bolivia, Mỹ bắt đầu tung ra bán thiếc trong kho dự trữ, khiến giá mặt hàng này giảm trên thị trường quốc tế, gây thiệt hại cho La Paz vì khi đó phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào xuất khẩu thiếc.
Biện pháp trên của Mỹ đã gây ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại Bolivia, buộc ông Zuazo phải từ chức.
Tổng thống Morales cũng coi việc các quỹ đầu tư đầu cơ của Mỹ đang tìm cách ép Argentina phải thanh toán toàn bộ giá trị mặt các trái phiếu từng mua với giá rẻ mạt tại thị trường thứ cấp là bước đi của “đế quốc” chống lại các nước Nam Mỹ.
Tổng thống Morales cho biết ông đã đưa ra đề xuất các bộ trưởng và chuyên gia kinh tế tại Nam Mỹ thảo luận các biện pháp đối phó với hành động của Mỹ. Theo ông, một khi các nước Nam Mỹ hành động một cách đoàn kết, có tổ chức, Mỹ không thể quay trở lại để thống trị khu vực này.
Bolivia đang chờ quốc hội một số nước phê chuẩn để được kết nạp làm thành viên chính thức của MERCOSUR. Theo ông, đây là một tổ chức liên kết thực sự không chỉ về kinh tế, mà cả về chính trị, xã hội và văn hóa tại Mỹ Latinh, tương tự các cơ chế hội nhập tiến bộ khác như Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR), và Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribbean./.