Theo Le Monde, sáu tháng trước bầu cử tổng thống, ông Emmanuel Macron đã khởi động lại một chiến dịch để thể hiện mình là người đứng đầu “phe tiến bộ.”
Kế hoạch “France 2030” (Nước Pháp đến năm 2030) được xây dựng nhằm mục đích đưa nước Pháp trở lại thời hoàng kim.
Đó là thời kỳ “30 năm vinh quang” và đầy đủ việc làm dưới thời Charles De Gaulle và Georges Pompidou.
[Kinh tế Pháp: Nhìn lại một năm phục hồi để định hướng phát triển]
Thời kỳ của một nước Pháp có tinh thần chiến đấu trên trường quốc tế, được trang bị các dự án của tương lai.
Trước thềm cuộc bầu cử năm 2022, ông Macron muốn tuyên bố với người dân rằng đến năm 2030, nước Pháp thực sự có kế hoạch để trở thành quốc gia đi trước một bước về công nghệ xanh và bền vững, tạo ra những sản phẩm đột phá kiểu máy bay Concorde, tàu cao tốc TGV và lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới.
Với một kế hoạch rộng lớn nhưng tập trung vào đổi mới, ông đã vẽ ra, theo một cách xuất sắc, viễn cảnh công nghiệp và chính trị cho đất nước, với khả năng vượt qua bóng ma của sự suy tàn trong vòng 10 năm tới.
Tổng thống Macron kết luận: “Tôi nói về một giấc mơ khả thi, giấc mơ về một quốc gia vĩ đại, lựa chọn vận mệnh của mình và đóng góp cho thế giới.”
Để quảng bá cho France 2030 của Tổng thống Macron, Điện Elysée đã trang hoàng khung cảnh như những ngày lễ trọng đại, và danh sách khách mời gồm sinh viên, doanh nhân, nhà nghiên cứu, bộ trưởng, nghị sỹ... được lựa chọn cẩn thận.
Tất cả cùng xem những thước phim nói về những thành công lớn của Pháp trong quá khứ, như đã nói, đó là thành tựu hạt nhân, tàu TGV, máy bay Concorde, máy bay chiến đấu Rafale... Khép lại là câu hỏi: “Và bây giờ?”
Để trả lời, Macron đã đặt kế hoạch của ông vào bối cảnh lịch sử và địa chính trị, đồng thời cho rằng “đại dịch đã khiến chúng ta cảm thấy rất dễ bị tổn thương, chúng ta thuộc về trật tự của cuộc sống.”
Ông nhấn mạnh vào 3 bài học rút ra sau đại dịch COVID-19: sự phụ thuộc của Pháp vào bên ngoài, đặc thù mô hình xã hội Pháp vừa “hiệu quả vừa đoàn kết” và “tốc độ đổi mới phi thường.”
Từ những bài học này, Tổng thống Macron bày tỏ niềm tin rằng nước Pháp phải đổi mới nhiều hơn để sản xuất nhiều hơn, sản xuất tốt hơn, để mang lại nguồn lực cho mô hình xã hội mà người Pháp đang gắn bó.
Do đó, trong những năm tới sẽ có không dưới 30 tỷ euro (trong đó có 3-4 tỷ euro ngay từ năm 2022) tài chính công dành cho các nhiệm vụ lớn, mà trước hết nhằm ứng phó với thâm hụt tăng trưởng của Pháp.
Ông nêu rõ các nhiệm vụ đó sẽ nhằm vào “hoặc là những lĩnh vực chúng ta có thể dành quyền lãnh đạo, hoặc là những lĩnh vực chúng ta có thể gia nhập nhóm dẫn đầu, hoặc là những lĩnh vực chúng ta đã tụt hậu nhưng không được quyền từ bỏ."
Cuối cùng, ngân sách đầu tư sẽ được tập trung vào 10 ưu tiên chính: hạt nhân, hydro xanh, khử cacbon nền kinh tế (8 tỷ euro cho 3 mục tiêu này); ô tô điện, máy bay carbon thấp (4 tỷ cho phương tiện giao thông); thực phẩm và y tế (3 tỷ), công nghiệp văn hóa và sáng tạo (600 triệu); cũng như không gian và đáy biển sâu (2 tỷ cho cả hai).
Đồng thời, nhà nước sẽ hỗ trợ cho các lĩnh vực tiếp cận vật liệu và linh kiện điện tử (6 tỷ); công nghệ kỹ thuật số và nhân tài (2,5 tỷ); và đổi mới đột phá mà Macron cam kết “sẵn sàng bơm 5 tỷ euro, bao gồm 3 tỷ vốn chủ sở hữu."
Tổng thống Pháp đảm bảo “2 mục tiêu đặt ra: 50% tổng số tiền phải được sử dụng để khử carbon hay nói chung là cho môi trường; và 50% cho những nhân tố mới nổi, chẳng hạn như công ty khởi nghiệp, công ty quy mô vừa."
Trong “France 2030,” đổi mới đột phá và các giá trị không chỉ được tạo ra bởi các tập đoàn lớn; và nếu các ông lớn “giết chết” khả năng đổi mới của những nhân tố nhỏ hơn thì cũng có nghĩa là họ đã "tự sát."
Như vậy, 30 tỷ euro tín dụng mới và 4 tỷ euro từ vốn sở hữu (cổ phần) sẽ được giải ngân trong những năm tới, tất nhiên với điều kiện là người điều hành chính phủ mới chấp nhận tuân thủ chương trình.
Bài thuyết trình dài 1 tiếng rưỡi của Tổng thống Macron đã được các khán giả (do Điện Élysée lựa chọn mời dự) nhiệt liệt đón nhận.
Julien Cantegreil, người sáng lập công ty khởi nghiệp không gian Space Able, nói: “Tổng thống Cộng hòa đã vạch ra một tầm nhìn rõ ràng, vừa rất táo bạo vừa thực tế. Nước Pháp cuối cùng cũng đặt đổi mới đột phá, linh hoạt và công nghệ làm trọng tâm các giai đoạn tiếp theo của lĩnh vực không gian. Là một doanh nhân, tôi cho rằng các đề xuất được đưa ra là một sự ủng hộ và hỗ trợ to lớn.”
Tuy nhiên, nói phải đi đôi với làm, mọi thứ vẫn phải chờ xem thực hiện như thế nào, đặc biệt khi biết rằng số phận của các kế hoạch đầu tư lớn khác, lúc công bố luôn rất hoành tráng, nhưng cuối cùng hầu như chìm nghỉm trong tình trạng lấp lửng của chính quyền.
Theo chương trình hành động, từ nay đến tháng 1/2022, Thủ tướng Jean Castex sẽ phải tổ chức một êkíp phù hợp, đủ năng lực để chỉ đạo kế hoạch đầy tham vọng này.
Chính phủ Pháp thực ra đã đề cập việc tổ chức thực hiện các chương trình đầu tư cho tương lai (PIA) để lựa chọn các dự án được cấp vốn, nhất là các dự án đổi mới liên quan đến các lĩnh vực mà “France 2030” đã đề cập.
Một điều đáng chú ý là Đức cũng đang tiến hành các chương trình tương tự.
Vì vậy, trong 6 tháng Pháp đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) kể từ tháng 1/2022, Tổng thống Macron phải tìm cách hài hòa, đồng bộ hóa các dự án của Pháp với các quốc gia láng giềng càng nhiều càng tốt.
Phong trào giới chủ Pháp (Medef) là một tổ chức dành cho người sử dụng lao động được thành lập vào năm 1998, đại diện cho các công ty của Pháp.
Liên minh người sử dụng lao động này có trọng lượng đáng kể trong cuộc tranh luận xã hội ở Pháp, mặc dù theo một số nguồn tin thì tính đại diện rất tương đối.
Về phía các doanh nghiệp, việc đón nhận “France 2030” có vẻ suôn sẻ nhưng tất nhiên cũng có phần e dè.
Đối với Medef, kế hoạch của Tổng thống Macron “trước hết phải tập trung vào các công ty tư nhân. Khả năng quản trị phải được làm rõ và khả năng thực thi phải tốt để có thể chuyển hướng đầu tư một cách nhanh chóng. Cuối cùng, cần hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ mới để đảm bảo sự phát triển thực sự của chúng.”
Liên đoàn Lao động Dân chủ Pháp (CFDT) cũng đưa ra cảnh báo tương tự: “Việc lập biểu đồ cho một kế hoạch đồ sộ như ‘France 2030’ không thể chỉ nhắm vào các lĩnh vực xuất sắc, được xử lý theo kiểu cục bộ. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất, lối sống và cách tiêu dùng cần kéo theo việc xem xét tính phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả các lĩnh vực”./.