Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15/9 thông báo thành lập một Khu bảo tồn biển mới có diện tích 12.725km2 ở Đại Tây Dương, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh "Đại dương của chúng ta," do Mỹ tổ chức và đang diễn ra tại Washington.
Khu bảo tồn biển mới bao gồm rất nhiều ngọn núi nằm sâu dưới đáy biển cũng như nhiều rạn san hô quý hiếm và là nơi sinh sống của nhiều loàn cá voi.
Các hoạt động đánh bắt cá thương mại sẽ bị tuyệt đối cấm tại khu vực này do các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ ấm dần lên của đại dương đang là mối đe dọa về số lượng cá hồi, tôm hùm và sò biển nơi đây.
Quyết định thành lập Khu bảo tồn biển mới là một bước đi tiếp theo nhằm bảo vệ đại dương của chính quyền Tổng thống Obama ngay sau quyết định đưa ra hồi tháng trước về việc mở rộng vùng biển bảo tồn tại Hawaii để thành lập một Khu bảo tồn biển quốc gia Papahanaumokuakea lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 1,5 triệu km2, gấp 4 lần diện tích bang California của Mỹ.
Tại hội nghị, cùng với Mỹ, 20 nước khác cũng đã tuyên bố mở rộng khu bảo tồn biển quốc gia mới. Vương quốcAnh là một trong những quốc gia đầu tiên công bố kế hoạch tăng gấp đôi diện tích đại dương cần được bảo vệ.
Những khu bảo tồn biển được bảo vệ một cách thực sự đang được thành lập quanh đảo Pitcairn tại Nam Thái Bình Dương và St Helena, Tristan da Cunha và khu vực Ascension tại Nam Đại Tây Dương.
Cũng tại hội nghị, Cơ quan môi trường toàn cầu, Hội bảo vệ động vật thiên nhiên hoang dã, Quỹ Blue Moon và một số quỹ bảo vệ môi trường khác đã thông báo khoản ngân sách trị giá 48 triệu USD giành cho các nước phát triển để mở rộng khu bảo tồn biển nhiệt đới.
Các đại biểu hy vọng đến năm 2020, 10% đại dương thế giới sẽ được bảo vệ, các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu sẽ bị cấm tuyệt đối tại khu vực này.
Hội nghị "Đại dương của chúng ta" do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì, đã quy tụ Bộ trưởng và chuyên gia môi trường đến từ 90 nước trên thế giới.
Tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm về các biện pháp bảo tồn, cũng như trình bày kế hoạch bảo vệ môi trường biển khỏi sự ô nhiễm, đánh bắt cá quá mức và ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh "Đại dương của chúng ta" lần đầu tiên được tổ chức tại Washington năm 2014, sau khi được tổ chức tại Chile hồi năm ngoái. Dự kiến, hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ do Liên minh châu Âu (EU) tổ chức.
Tại hội nghị, ông Kerry một lần nữa kêu gọi các quốc gia trên khắp thế giới cam kết thành lập hơn 6 triệu km2 Khu bảo tồn biển. Trong hơn hai ngày họp, các đại biểu đã thông báo về 120 dự án bảo tồn biển và cam kết đóng góp 2 tỷ USD cho quỹ mới để bảo vệ hơn 2 triệu km2 bờ biển./.