Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ hoàng kim? ​

Nhiều người đặt câu hỏi ông Joe Biden sẽ làm cách gì để đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ hoàng kim khi Mỹ dường như đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng bản sắc và một sự chia rẽ ý thức hệ sâu sắc?
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ hoàng kim? ​ ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng scmp.com đưa tin Chi Wang, cựu trưởng bộ phận tiếng Trung của Thư viện Quốc hội Mỹ và là Chủ tịch Quỹ chính sách Mỹ-Trung Quốc, mới đây cho rằng sự suy thoái của nước Mỹ đã xảy ra trong một thời gian dài, chứ không phải trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Donald Trump và sẽ mất nhiều thời gian để đảo ngược nó.

Vậy làm sao ông Joe Biden có thể đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ hoàng kim khi Mỹ dường như đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng bản sắc và một sự chia rẽ ý thức hệ sâu sắc.

Trong bài phát biểu của mình tại Bộ Ngoại giao hồi tháng Hai vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã cam kết mạnh mẽ “nước Mỹ đã trở lại” và khẳng định rằng các giá trị dân chủ của Mỹ vẫn là “cột thu lôi” và “nguồn sức mạnh vô tận” cho sức mạnh toàn cầu của Mỹ.

[Tầm nhìn của Tổng thống Biden về cách thức nước Mỹ can dự với thế giới]

Ông cũng đã đưa ra cam kết tương tự trong Hội nghị An ninh Munich trực tuyến hôm 19/2 khi đề cập tới “những lợi thế lâu dài” của Mỹ.

Những quan điểm này trong quá khứ chắc chắn là đúng, nhưng tới thời điểm hiện nay, nước Mỹ lại dường như ngày càng suy giảm và vẫn còn phải chờ xem liệu giới lãnh đạo Mỹ có giải quyết được thách thức này để đảo ngược xu hướng trên hay không.

Theo ông Chi Wang, sự lãnh đạo và các thể chế dân chủ của Mỹ từng rất mạnh mẽ và đó là thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ. Tất nhiên, vẫn còn những rắc rối ở trong nước Mỹ vào thời điểm đó.

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã có những cuộc chiến và buộc tội nhau là những kẻ âm mưu cộng sản. Sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc vẫn tràn lan. Tuy nhiên, niềm tin vào các thể chế và sức mạnh quốc gia của Mỹ không hề lung lay. Các thể chế dân chủ và sức mạnh quốc gia của Mỹ đã mạnh mẽ chống lại Trung Quốc hỗn loạn.

Trong khi Trung Quốc trở nên bị cô lập sau khi chế độ cộng sản được thiết lập, Mỹ mở rộng trách nhiệm có chủ đích của mình và giúp tái thiết Tây Âu.

Tuy nhiên, ngày nay rất khó để theo dõi những gì đang xảy ra ở Washington và trên toàn nước Mỹ cũng như đưa ra kết luận nào khác ngoài việc nước Mỹ đang suy tàn. Mỹ đã thiếu sự lãnh đạo khi họ cần nhất trong năm qua.

Phản ứng thiếu hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng COVID-19 của các quan chức được bầu đã khiến cho niềm tin về năng lực của Mỹ sụt giảm trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu.

Sự miễn cưỡng của cựu Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông chấp nhận kết quả bầu cử tháng 11/2020 đã làm giảm quan điểm của Mỹ trong việc bảo vệ nền dân chủ.

Các nhà phân tích đã vạch ra ranh giới giữa việc Trump từ chối nhượng bộ với cuộc đảo chính ở Myanmar, nơi giới lãnh đạo quân sự biện minh cho hành động của họ bằng cách viện dẫn những tuyên bố chưa được xác minh về hành vi gian lận bầu cử.

Những hình ảnh về cuộc bạo động ngày 6/1 tại Đồi Capitol đã đạp đổ những nhận thức được vun đắp lâu nay về sức mạnh của Mỹ; nếu chính phủ không thể ngăn chặn một đám đông tấn công “trái tim” của nền dân chủ, thì làm sao có thể mong đợi họ sẽ bảo vệ nền dân chủ trên toàn thế giới?

Thế giới bàng hoàng trước cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ của những người ủng hộ cực đoan đối với ông Trump.

Mặc dù việc ông Trump rời khỏi Nhà trắng chắc chắn là một bước đi đúng để xoa dịu nỗi lo lắng ở cả trong và ngoài nước về sức mạnh quyền lực của Mỹ, nhưng điều đó là chưa đủ. Sự suy giảm của nước Mỹ đã diễn ra trong một thời gian, chứ không phải trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump và sẽ mất nhiều thời gian hơn để đảo ngược nó.

Vấn đề này không thể giải quyết cho đến khi các chính trị gia và giới truyền thông vui vẻ ủng hộ họ tìm ra cách vượt qua sự chia rẽ đảng phái vô vọng đang làm tê liệt nước Mỹ.

Theo ông Chi Wang, trên thực tế, các đảng phái chia rẽ về quá khứ quốc gia cũng như khi họ quyết định tương lai của nó.

Một trong những hành động cuối cùng của chính quyền Trump mà hầu như không được nhắc đến trong thời kỳ hỗn loạn này là việc công bố “Báo cáo 1776,” một tài liệu 45 trang nhằm định hướng lại lịch sử nước Mỹ xung quanh các nguyên tắc thành lập của nó.

Báo cáo 1776 là một sự phản biện đối với "Dự án 1619" gây tranh cãi trên Tờ New York Times, trong đó cho rằng chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc có hệ thống là cốt lõi của sự thành lập nước Mỹ.

Trên thực tế, gần 250 năm sau khi lập quốc, có thể có một cuộc khủng hoảng bản sắc sâu sắc đến mức phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính bền vững của nước Mỹ.

Biden đã cố gắng xoa dịu những lo lắng này trong bài phát biểu gần đây trước các nhà lãnh đạo châu Âu.

Ông Biden lập luận rằng nền dân chủ “không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Chúng ta phải bảo vệ nó, chiến đấu vì nó, củng cố nó, làm mới nó.”

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong việc đương đầu với các thách thức toàn cầu: “Nếu chúng ta làm việc cùng với các đối tác dân chủ, với sức mạnh và niềm tin, tôi biết rằng chúng ta sẽ giải quyết được mọi thách thức."

Tác giả kết luận hiện vẫn còn phải chờ xem liệu khán giả châu Âu có để tâm đến tuyên bố của ông Biden hay không; chỉ lời nói chắc chắn sẽ không đủ để sửa chữa những thiệt hại đã gây ra cho uy tín của nước Mỹ.

Thách thức này lớn hơn nhiều so với những gì ông Biden có thể gặp trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Theo ông Chi Wang, có thể sẽ phải mất thêm 70 năm nữa trước khi nước Mỹ trở lại thời kỳ hoàng kim./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục