Tổng thống Nga thúc đẩy sử dụng đồng ruble làm đồng tiền của BRICS

Tổng thống Vladimir Putin cho rằng đồng ruble của Nga tích cực hơn trong thanh toán nội khối BRICS bởi đồng tiền này có thể dễ dàng chuyển đổi sang bất kỳ loại tiền tệ nào khác trên toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp BRICS ở Brasilia, Brazil, ngày 13/11/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp BRICS ở Brasilia, Brazil, ngày 13/11/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ở Brazil ngày 14/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng các nước BRICS có thể sử dụng đồng ruble của Nga tích cực hơn trong thanh toán nội khối, bởi kinh tế vĩ mô Nga “đặc trưng là ổn định,” và đồng tiền Nga có thể dễ dàng chuyển đổi sang bất kỳ loại tiền tệ nào khác trên toàn cầu.

Ông cho rằng đồng tiền quốc gia cần được sử dụng tích cực, như tài trợ cho các dự án, thay vì dự trữ truyền thống.

“Điều này sẽ giúp tăng sức nặng của đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong thanh toán quốc tế và cũng để tránh rủi ro và chi phí bổ sung,” RIA Novosti dẫn lời Tổng thống Nga nhấn mạnh, đồng ruble của Nga có thể chuyển đổi hoàn toàn tự do sang bất kỳ loại tiền tệ nào khác.

[Tương lai nào chờ đón các nền kinh tế BRICS?]

Xét đến tình hình kinh tế vĩ mô ổn định ở Nga, đồng ruble đáp ứng đủ các điều kiện để có thể là phương tiện thanh toán bổ sung giữa các nước BRICS.

Theo ông, sự ổn định của nền kinh tế Nga là kết quả của chính sách kinh tế vĩ mô cân bằng, đã được Chính phủ Nga theo đuổi trong nhiều năm qua.

Nguyên thủ nước Nga cho biết, xử lý tài chính nhà nước một cách có trách nhiệm, hỗ trợ sự ổn định của thị trường tín dụng và ngân hàng là những công cụ để đảm bảo tính ổn định đó.

Hội nghị cũng đưa ra các đề xuất khác nhằm phá vỡ sự phụ thuộc vào đồng USD trong thanh toán giữa các quốc gia BRICS.

Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và là thành viên của Hội đồng kinh doanh BRICS Kirill Dmitriev có sáng kiến về một đồng tiền điện tử chung.

Ông lưu ý rằng các quốc gia trong khối đã và đang giảm tỷ lệ USD sử dụng trong thanh toán.

Ở Nga trong 5 năm qua, tỷ lệ đồng USD trong thanh toán ngoại thương đã giảm từ 92% xuống 50% và đồng ruble đã tăng từ 3% lên 14%, ông Dmit Dmitriev cho biết.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, trong nửa đầu năm 2019, đồng USD chiếm 66,4% thanh toán cho hàng xuất khẩu của Nga và chỉ 36% trong thanh toán nhập khẩu của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục