Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã kêu gọi Mỹ hỗ trợ để giúp nước này chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram.
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal của Mỹ ngày 14/2, ông Jonathan đã lần đầu tiên gắn mối liên hệ trực tiếp giữa nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni ở Nigeria này với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoành hành tại Iraq và Syria.
Theo ông, Nigeria có các báo cáo tình báo cho thấy Boko Haram được các tay súng IS "tài trợ và huấn luyện". Ông bày tỏ hy vọng "Mỹ sẽ đến và trợ giúp" khi Nigeria gặp vấn đề.
Tuy nhiên, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đô đốc John Kirby, khẳng định không có kế hoạch "đơn phương" đưa quân đội Mỹ tới Nigeria.
Theo ông Kirby, Mỹ đang trong giai đoạn đầu của việc trợ giúp thành lập lực lượng phản ứng nhanh đa quốc gia cho các nước châu Phi để giúp Nigeria đánh bại Boko Haram. Tuy nhiên, hiện không có binh lính nào của Mỹ đồn trú tại Nigeria.
Trước đó, Mỹ đã cử các chuyên gia tình báo và giám sát, cùng các máy bay không người lái đến giúp Nigeria tìm kiếm và giải cứu 219 nữ sinh bị Boko Haram bắt cóc hồi tháng 4/2014.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 14/2, hàng trăm tay súng Hồi giáo đã tràn vào thành phố Gombe (Đông Nam Nigeria), nã súng và rải truyền đơn kêu gọi người dân địa phương tẩy chay cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Vụ việc khiến chính quyền địa phương áp đặt lệnh giới nghiêm trong vòng 24 giờ.
Cuộc bầu cử trên đã bị hoãn một lần hôm 7/2 vừa qua vì lý do an ninh. Hai ngày sau, chính quyền Nigeria cam kết tiêu diệt Boko Haram trong vòng 6 tuần.
Tổng thống Jonathan cho biết việc hoãn tổng tuyển cử đến ngày 28/3 sẽ cho các cơ quan an ninh thêm thời gian để "xóa sạch" Boko Haram tại ba bang miền Đông Bắc.
Boko Haram đã mở hai mặt trận mới sang các nước láng giềng trong chiến dịch thành lập một nhà nước Hồi giáo cứng rắn tại Đông Bắc Nigeria. Nhóm này đã tràn sang nước láng giềng Niger hồi cuối tuần trước và lần đầu tiên xâm nhập vào Chad hôm 13/2.
Không chỉ thế, Boko Haram còn gia tăng số lượng và cường độ các cuộc tấn công tại miền Bắc Cameroon.
Mối đe dọa ngày càng tăng của Boko Haram đối với khu vực đã buộc ba nước láng giềng của Nigeria phải huy động quân đội đẩy lùi các tay súng Hồi giáo cực đoan.
Boko Haram, theo tiếng địa phương có nghĩa là "cấm hình thức giáo dục kiểu phương Tây", vốn là một phong trào Hồi giáo hòa bình khi mới được thành lập năm 2002.
Tuy nhiên trong 6 năm gần đây, tổ chức này đã biến đổi thành lực lượng phiến quân và chiếm giữ vùng lãnh thổ rộng lớn gồm hàng chục thị trấn ở ba bang miền Đông Bắc Nigeria.
Thủ lĩnh của Boko Haram Abubakar Shekau từng nhắc đến thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi trong nhiều đoạn băng video, nhưng không có cam kết nào gắn với tổ chức này.
Tổng thống Jonathan và chính phủ của ông từ lâu cho rằng cuộc nổi dậy của Boko Haram được các thế lực bên ngoài giúp đỡ và gọi Boko Haram là "Al-Qaeda ở Tây Phi"./.