Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du nước Đức để củng cố quan hệ

Một trong những vấn đề nổi bật được Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz thảo luận là việc cùng hợp tác phát triển Hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực (MGCS) – xe tăng Leopard 3.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du nước Đức để củng cố quan hệ ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị Thượng đỉnh Ba bên Weimar ở Cung điện Elysee ở Paris, Pháp, ngày 12 tháng 6 năm 2023. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/10 đã tới Hamburg, bắt đầu chuyến thăm Đức 2 ngày để thảo luận với Thủ tướng Olaf Scholz những vấn đề cùng quan tâm.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cuộc gặp diễn ra theo hình thức tham vấn Chính phủ Đức-Pháp, ngoài tập trung nói về các vấn đề chuyển đổi số, trong đó bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, hai bên cũng đề cập đến những chủ đề còn tranh cãi.

Mặc dù chương trình nghị sự không cụ thể, nhưng một trong những vấn đề nổi bật được hai bên thảo luận là việc cùng hợp tác phát triển Hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực (MGCS) – xe tăng Leopard 3.

Ngoài các cuộc trao đổi thoải mái để hiểu nhau hơn, hai nhà lãnh đạo đã đến thăm các nhà máy của Airbus ở Finkenwerder, nơi được coi là chìa khóa hợp tác công nghiệp giữa Đức và Pháp.

Trợ lý của Tổng thống Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ đi thuyền dọc sông Elbe, ăn bánh mì kẹp cá và thảo luận các vấn đề cùng quan tâm như an ninh năng lượng, nhập cư...

[Đức, Pháp bất đồng về cải cách Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng châu Âu]

Mặc dù phần nào bị chi phối bởi cuộc xung đột Hamas-Israel, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Pháp tới Đức cũng sẽ tạo cơ hội để ông Olaf Scholz và ông Macron thảo luận cũng như điều phối phản ứng của châu Âu liên quan đến vụ việc này.

Hiện, cả Đức và Pháp đều cam kết hỗ trợ Israel, đồng thời cảnh báo chống lại sự leo thang trong khu vực.

Trong những tháng qua, Pháp và Đức, hai thành viên có ảnh hưởng lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), đang bất đồng về một số vấn đề, từ chiến lược quốc phòng của khối đến phản ứng của khối này trước cuộc khủng hoảng năng lượng, quan hệ với Trung Quốc và thậm chí cả chính sách tài chính.

Nhà phân tích Maria Krpata thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, cho rằng không chỉ giải quyết các vấn đề lớn như năng lượng, quốc phòng, nhập cư, việc định hình các khái niệm về an ninh kinh tế là cần thiết.

Bà Maria khẳng định việc “tạo ra một liên minh về trí tuệ nhân tạo” giữa hai nước này là quan trọng trong bối cảnh Lục địa Già đang tìm cách giảm thiểu rủi ro.

Trước đó, hồi đầu tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Emmanuel Macron đã phải hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức sau khi xảy ra cuộc biểu tình bạo loạn liên quan đến việc cảnh sát Pháp bắn chết một thiếu niên 17 tuổi vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông.

Cùng với quyết định hoãn chuyến thăm Đức, ông Macron đã quyết định kết thúc sớm việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, về nước chủ trì cuộc họp an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục