Tổng thống Putin thăm Ai Cập: Cú hích trong quan hệ hai nước

Chuyến công du lịch sử của Tổng thổng Putin tới Ai Cập kéo dài hai ngày này được kỳ vọng tạo cú hích nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Tổng thống Putin thăm Ai Cập: Cú hích trong quan hệ hai nước ảnh 1Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi. (Nguồn: Reuters/str)

Ngày 9/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Ai Cập với một chương trình nghị sự dày đặc hứa hẹn nhiều kết quả. Chuyến công du lịch sử kéo dài hai ngày này được kỳ vọng tạo cú hích nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Theo thông cáo của Phủ Tổng thống Ai Cập, tại cuộc hội đàm cấp cao, Tổng thống nước chủ nhà Abdel Fatah al-Sisi và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên sẽ trao đổi quan điểm về các hồ sơ nóng trong khu vực, đặc biệt là tình hình tại Syria, Libya và triển vọng tái khởi động tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Putin trở lại đất nước các Kim tự tháp sau chuyến thăm cách đây gần một thập kỷ. Chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Nga diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng trở nên nồng ấm. Hồi tháng 11/2013, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã có chuyến thăm tới Cairo. Tàu chiến Nga cũng lần đầu tiên cập cảng Ai Cập kể từ hơn 20 năm qua và được chào đón bằng các nghi thức đặc biệt trang trọng.

Về phía Ai Cập, trung tuần tháng 2/2014, cựu Tổng Tư lệnh quân đội al-Sisi đã tới Nga trong chuyến công du nước ngoài hết sức hiếm hoi sau cuộc chính biến ngày 3/7/2013. Tháng 8/2014, tân Tổng thống Ai Cập al-Sisi cũng chọn Nga cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức.

Đối với người dân Ai Cập, dấu ấn Nga vẫn hiện diện tại quốc gia Bắc Phi này qua những công trình biểu tượng như đập thủy điện Aswan, các nhà máy dệt, nhà máy luyện kim và nhiều cơ sở công nghiệp nặng khác. Chính quyền Ai Cập đặc biệt đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga đối với tiến trình chuyển tiếp chính trị cũng như cuộc chiến chống khủng bố hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này. Không chỉ vậy, Cairo cũng dễ dàng tìm thấy quan điểm tương đồng với Moskva về các vấn đề khu vực, trong đó có việc ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Trong chuyến thăm đáp từ lần này của Tổng thống Putin, hai bên dự kiến bàn thảo và ký kết nhiều dự án hợp tác đa ngành. Về quân sự, cuộc hội đàm giữa nguyên thủ hai nước dự kiến tập trung vào thỏa thuận mua bán vũ khí với tổng giá trị hơn 2 tỷ USD.

Theo một số nguồn tin, hiện Ai Cập đang quan tâm đến các hệ thống phòng không, các loại vũ khí chính xác, tên lửa hành trình tấn công và máy bay chiến đấu của Nga trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn và tiềm lực tài chính eo hẹp. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng là một trong những trọng tâm của cuộc hội đàm cấp cao.

Ai Cập - đất nước đông dân nhất thế giới Arab - là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm của Nga. Trong khi đó, Nga là nguồn cung lúa mì ổn định của Ai Cập.

Cairo cũng mong muốn tăng cường xuất khẩu nông sản sang Moskva. Dự kiến, hai bên sẽ thảo luận việc Nga giúp Ai Cập xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vốn bị trì hoãn từ lâu và cải tạo hàng chục cơ sở công nghiệp có từ thời Liên Xô trước đây.

Ngoài ra, việc Nga tham gia xây dựng một khu công nghiệp trong khuôn khổ Dự án phát triển hành lang Kênh đào Suez và dự án thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Âu – Á (EEU) và Ai Cập cũng sẽ là những chủ đề thu hút sự quan tâm.

Theo các nhà phân tích, nỗ lực khôi phục quan hệ hợp tác truyền thống với Nga nằm trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế mà chính quyền của Tổng thống al-Sisi đang theo đuổi.

Về phần mình, Nga mong muốn tăng cường ảnh hưởng tại Ai Cập cũng như tìm kiếm các đồng minh mới trong bối cảnh quan hệ với phương Tây căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine.

Ai Cập được đánh giá là cánh cửa giúp Nga khôi phục vị thế và ảnh hưởng trước đây trong thế giới Arab, giữa lúc Mỹ và các nước phương Tây tỏ ra lơ là với khu vực này. Dư luận hy vọng rằng sự trở lại của Nga sẽ góp phần vào việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục