Tổng thư ký LHQ cảnh báo việc thực hiện SDGs không đạt tiến triển

Tổng Thư ký chỉ ra rằng số người sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực ngày nay cao hơn so với cách đây 4 năm, và cứ theo xu hướng này, chỉ 30% quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu SDGs 1 vào 2030.
Tổng thư ký LHQ cảnh báo việc thực hiện SDGs không đạt tiến triển ảnh 1Người dân xếp hàng chờ được phát lương thực cứu trợ tại Rutshuru, Bắc Kivu, CHDC Congo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 26/4 cảnh báo việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) không đạt tiến triển.

Tại buổi giới thiệu ấn bản đặc biệt của Báo cáo tiến trình triển khai SDGs, Tổng thư ký cho biết: "Còn nửa thời gian nữa là đến hạn chót của Lịch trình 2030, chúng ta đang bỏ lại nửa thế giới ở phía sau."

Ông Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường đang gây các tác động hủy diệt và ngày càng trầm trọng hơn do xung đột tại Ukraine.

Tổng Thư ký chỉ ra rằng số người sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực ngày nay cao hơn so với cách đây 4 năm, và cứ theo xu hướng này, chỉ 30% quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu SDGs 1 (không còn đói nghèo) vào năm 2030.

[Việt Nam thúc đẩy hợp tác ASEAN-ESCAP trong thực hiện các SDGs]

Số người đói cũng gia tăng và đã trở lại mức của năm 2005, trong khi bình đẳng giới trở lại mức cách đây 300 năm, bất công cũng ở mức cao kỷ lục và đang tiếp tục gia tăng. 

Ngoài ra, con người tiếp tục tàn phá thiên nhiên khiến lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, nồng độ khí CO2 ở mức cao nhất trong vòng 2 triệu năm qua. Nguy cơ tuyệt chủng tăng 3% kể từ năm 2015 và hiện nay, cứ 5 loài thì có hơn 1 loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Trước tình trạng này, báo cáo trên đưa ra 5 khuyến nghị. Thứ nhất, Tổng thư ký kêu gọi tất các các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cam kết hành động để đạt các SDGs cấp quốc gia và quốc tế từ giờ đến năm 2030, bằng cách tăng cường các nguyên tắc xã hội và tái định hướng nền kinh tế theo hướng bền vững và ít phát thải CO2, phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Thứ hai, Tổng thư ký kêu gọi chính phủ thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia tham vọng hơn nhằm giảm đói nghèo và bất bình đẳng vào năm 2027 và 2030.

Các khuyến nghị tiếp theo bao gồm các quốc gia cần cam kết chấm dứt tàn phá thiên nhiên, tăng cường thể chế và trách nhiệm giải trình của các chính phủ, và đẩy mạnh các nỗ lực đa phương hỗ trợ hệ thống phát triển và hành động của Liên hợp quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Vì tương lai 2024./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục