Do tính chất cấp bách của công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình cầu, tiến hành nhanh việc sữa chữa hư hỏng cầu, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu của dự án và được áp dụng hình thức vừa thiết kế vừa thi công nhằm rút ngắn thủ tục sớm triển khai xây dựng và đưa công trình vào sử dụng.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn bổ sung để thực hiện dự án sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh với tổng mức đầu tư 12,27 tỷ đồng.
Dự án sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, thời gian thi công trong 30 ngày.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh do Công ty Trách nhiện hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư, hoàn thành năm 2001, khai thác từ năm 2002.
Cầu có chiều dài gần 619m, rộng 12,7m, kết cấu bêtông cốt thép. Đây là một hạng mục thuộc dự án xây dựng đường Lê Thánh Tôn nối dài (trọng tải cầu khai thác 30 tấn).
Về tình hình hư hỏng của cầu, phần đà kiềng đỡ tường gạch thuộc khoang giữa trụ T22 và T23 đã bị đứt gãy, đà kiềng khoang giữa trụ T23 và T24 có vết nứt; phần tường gạch khoang giữa trụ T22, T23, T24 bị sụp, đổ; phần bệ trụ T23 bị gãy, phần xà mũ trụ bị nứt gãy và tách rời khỏi phần dầm bản phía trên.
Trong khi đó, phần dầm bản và bản mặt cầu chưa phát hiện các hư hỏng nhưng phần lan can cầu phía trên khoang T22-T23 cũng đã xuất hiện vết nứt dọc tương tự như của tường gạch và đà kiểng.
Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, ngày 23/6 Sở Giao thông Vận tải thành phố đã tổ chức điều chỉnh phân luồng giao thông khu vực theo hướng làn đường bên phải cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (hướng từ cầu Sài Gòn đi Nguyễn Hữu Cảnh) sẽ tạm thời bị phong tỏa, cấm tất cả phương tiện lưu thông; làn đường giữa dành cho xe 2 bánh và 3 bánh; làm đường bên trái theo hướng từ cầu Sài Gòn đi Nguyễn Hữu Cảnh dành cho xe ôtô con, xe ôtô khách dưới 16 chỗ, xe ôtô có tổng tải trọng từ 1,5 tấn trở xuống.
Tiếp đó ngày 15/7, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 tiến hành sửa chữa, gia cố tạm thời, neo dỡ dầm ngang gối lên trụ T23 bằng hệ dầm thép I450 và thay thế một phần tường chắn gạch bị sụp đổ bằng tôn để tránh người dân đi vào khu vực.
Liên quan đến việc xây dựng cầu vượt, ngày 7/9, các đơn vị thi công đã tiến hành rào chắn phần đường Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm để thi công dự án cầu vượt cầu vượt thép tại ngã 6 Gò Vấp khiến giao thông khu vực bị ùn tắc nghiêm trọng trong giờ cao điểm.
Dự án cầu vượt ngã 6 Gò Vấp (Quang Trung, Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghĩ) được thiết kế hình chữ Y, nhánh chính nằm theo hướng đường Nguyễn Oanh-Nguyễn Kiệm dài 234m, rộng 6m và nhánh rẽ theo hướng đường Phạm Ngũ Lão-Nguyễn Oanh dài 274m, rộng 6m.
Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 405 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 7 tháng thi công./.