TP. HCM xét phương án điều chỉnh giờ học, làm

TP. HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến bổ sung của các sở, ngành của thành phố về kế hoạch điều chỉnh lệch giờ học tập, giờ làm việc.
Ngày 8/2, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến bổ sung của các sở, ngành của thành phố về kế hoạch điều chỉnh lệch giờ học tập, giờ làm việc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012.

Theo kế hoạch, trường mầm non không điều chỉnh; tiểu học lớp 1 buổi không điều chỉnh, lớp buổi chiều điều chỉnh muộn 15 phút; trung học cơ sở và trung học phổ thông điều chỉnh muộn 15 phút.

Đối với các trường có tổ chức mô hình bán trú, chéo buổi chủ động điều chỉnh giờ học và giờ về từ 15 đến 30 phút; trong từng khối lớp bậc tiểu học hoặc trung học cơ sở có giờ về cách nhau 10 đến 15 phút; cụm các trường Trung học cơ sở gần nhau tổ chức giờ học buổi sáng sớm hơn quy định 15 phút (6 giờ 45) hoặc trên cùng tuyến đường các trường phối hợp tổ chức lệch giờ vào học và tan trường.

Đối với giờ làm việc, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không thay đổi giờ làm việc. Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các cơ sở giáo dục), doanh nghiệp nhà nước và các đoàn thể, cơ sở, văn phòng làm việc theo giờ hành chính thì khung giờ điều chỉnh cụ thể như sau: sáng bắt đầu làm từ 7 giờ 30 phút hoặc 8 giờ; chiều kết thúc từ 16 giờ, hoặc 16 giờ 30 phút, hoặc 17 giờ.

Giờ kết thúc làm việc buổi chiều sớm hơn nhằm giảm số lượng người ra về lưu thông trên đường, tập trung quá đông vào lúc 17 giờ trong ngày và cũng phù hợp với việc đón con khi tan trường.

Theo đại diện các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh, về cơ bản nên giữ phương án cũ được đề ra từ năm 2007 vì phương án đó có kết quả ổn định. Tuy nhiên, để thực hiện được hiệu quả hơn cần đưa ra nhiều phương án khác nhau từ các sở, ngành liên quan, trên cơ sở đó tìm ra được phương án hữu hiệu nhất nhằm áp dụng một cách hiệu quả vào thực tế.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết để thực hiện tốt việc lệch giờ học và làm việc lệch ca trên địa bàn thành phố, các ngành chịu sự áp dụng này cũng cần chủ động đưa ra phương án và có sự phối hợp với nhau để tự chủ động điều chỉnh và áp dụng sao cho phù hợp nhất, đặc biệt cần phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án và bố trí một cách hợp lý./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục