TP Hồ Chí Minh: Đa dạng nguồn lực để hỗ trợ sinh viên vay ưu đãi học tập

Không đặt ra điều kiện khắt khe nhưng để nâng cao trách nhiệm của sinh viên, các chương trình hỗ trợ vay tín dụng yêu cầu sinh viên cam kết về kết quả học tập cũng như kế hoạch trả khoản vay rõ ràng.

Các sinh viên nghiên cứu thực hành tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Các sinh viên nghiên cứu thực hành tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên trong bối cảnh học phí tăng mỗi năm, bên cạnh chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước dành cho một số đối tượng nhất định, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động đa dạng nguồn lực để hỗ trợ sinh viên vay ưu đãi học tập với đối tượng vay mở rộng hơn.

Không đặt ra điều kiện khắt khe nhưng để nâng cao trách nhiệm của sinh viên, các chương trình hỗ trợ vay tín dụng yêu cầu sinh viên cam kết về kết quả học tập cũng như kế hoạch trả khoản vay rõ ràng.

Chương trình sinh viên vay ưu đãi học tập tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do Quỹ phát triển Đại học Quốc gia Thành phố phối hợp với ngân hàng triển khai từ năm học 2020-2021.

Ngoài sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình cũng mở rộng cho tất cả sinh viên hệ chính quy văn bằng 1 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mà chưa vay ở tổ chức tín dụng khác. Với sinh viên từ năm thứ 2, chương trình đặt ra thêm yêu cầu về kết quả học tập và rèn luyện. Sinh viên cũng phải cam kết tốt nghiệp đúng thời gian quy định.

Với chương trình này, mỗi học kỳ, sinh viên được được vay số tiền tương đương với học phí của học kỳ đó hoặc tối đa 20 triệu đồng, lãi suất là 0%. Sinh viên phải trả nợ gốc lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày sinh viên kết thúc khóa học (kể cả trường hợp chưa có việc làm ổn định). Sau đó, sinh viên có tối đa 2 năm để hoàn trả số tiền đã vay cho ngân hàng.

Với sự đồng hành, tài trợ của nhiều đơn vị, đến nay chương trình sinh viên vay ưu đãi học tập tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tổng kinh phí 22,4 tỷ đồng; có 320 sinh viên đã được vay ưu đãi, những trường hợp này cũng sẽ được xem xét cho vay đến khi tốt nghiệp.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vận động đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng và nhà hảo tâm để tăng quy mô chương trình thời gian tới, tiếp sức cho thêm nhiều sinh viên cần hỗ trợ.

Tại Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh chương trình vay ưu đãi học tập của Đại học Quốc gia Thành phố, trường còn có chương trình bảo lãnh vay và hỗ trợ lãi suất cho sinh viên đóng học phí của Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ-Bách khoa (BKA). Số tiền cho vay tính theo học phí của nhà trường cho học kỳ chính, với thời hạn vay tối đa 2 năm.

ttxvn_DH QG TPHCM.jpg
Sinh viên làm nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Sinh viên hoàn tất lãi suất và nợ gốc cho ngân hàng, sau đó BKA sẽ hoàn trả toàn bộ lãi suất lại cho sinh viên. Bên cạnh ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình vay bảo lãnh cũng đề cập đến điều kiện về kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên. Đây là một chương trình hỗ trợ tài chính quy mô lớn và có ý nghĩa do chính cựu sinh viên các khóa của trường chung tay thực hiện.

Từ 17 khoản vay trong lần đầu tiên triển khai (học kỳ II năm học 2021-2022), số lượng hồ sơ vay đã tăng lên 234 khoản vay ở học kỳ II năm học 2023-2024. Trong 3 năm qua, có 563 khoản vay với số tiền lên đến 7,4 tỷ đồng. Hiện Chương trình đang tiếp tục mở đăng ký cho sinh viên trong học kỳ mới của năm học 2024-2025. Đặc biệt, với chương trình vay ưu đãi BKA, sinh viên có cơ hội chuyển khoản đã vay thành học bổng. Theo đó, sinh viên có kết quả học tập từ 8,0/10 và rèn luyện từ 90/100 trong thời gian bảo lãnh vay sẽ được xem xét tặng học bổng từ 50-100% khoản vay.

Năm học 2023-2024 đã có 6 sinh viên của trường được chuyển khoản vay thành học bổng, trong đó 4 sinh viên nhận học bổng 100% khoản vay, 1 sinh viên được 70%, 1 sinh viên nhận 50%. Chính sách này đã tạo động lực lớn cho sinh viên nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), sự ra đời chương trình bảo lãnh vay của BKA nói riêng và các chương trình vay ưu đãi nói chung rất kịp thời và có nhiều ý nghĩa. Lượng sinh viên tiếp cận với chương trình vay ưu đãi BKA tăng qua từng học kỳ. Thời gian tới, chương trình phấn đấu đạt mục tiêu 1.000 khoản vay mỗi học kỳ, trong đó điều kiện vay sẽ được nới lỏng hơn và đối tượng vay cũng được mở rộng.

Năm 2023, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai chính sách tín dụng học tập mới cho tân sinh viên. Nhận thấy nhiều mặt tích cực của chính sách, năm sau đó, đại học này tiếp tục mở rộng chương trình cho những sinh viên các khóa trước.

Chương trình được triển khai theo hai hình thức: Cho vay học phí và trả góp học phí qua thẻ tín dụng. Với chương trình cho vay học phí, thời hạn cho sinh viên vay là 3 tháng, nhà trường sẽ hỗ trợ trả lãi suất cho 130 sinh viên theo mức lãi suất thấp nhất được áp dụng tại các ngân hàng tham gia. Còn chương trình trả góp học phí qua thẻ tín dụng của ngân hàng sẽ hỗ trợ trả góp học phí với lãi suất 0%, hỗ trợ phí chuyển đổi trả góp cho 130 sinh viên.

Cùng với các chương trình bảo lãnh vay để học tập, hiện nay các trường đại học cũng phối hợp với cựu sinh viên, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân triển khai đa dạng chính sách học bổng cho tân sinh viên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập tốt, ở các ngành học đặc thù...

Bên cạnh những chính sách chung của Nhà nước, sự chung tay tiếp sức từ cộng đồng đã góp phần khích lệ tinh thần, chia sẻ áp lực học phí, giúp sinh viên vững bước trên con đường học vấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục