TPBank kỳ vọng vốn hóa thị trường tăng lên 1 tỷ USD sau khi niêm yết

TPBank kỳ vọng vốn hóa thị trường của ngân hàng sẽ tăng lên ít nhất 1 tỷ USD trong năm 2018 sau khi cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE.
TPBank kỳ vọng vốn hóa thị trường tăng lên 1 tỷ USD sau khi niêm yết ảnh 1Ban lãnh đạo của TPBank tại hội thảo. (Nguồn: TPBank)

Chiều 12/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu TPBank tại Hà Nội với hơn 300 nhà đầu tư tham gia.

555 triệu cổ phiếu TPBank với mã chứng khoán TPB sẽ chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) ngày 19/4. Với giá chào sàn là 32.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của TPBank đạt 17.760 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 8 trên thị trường chứng khoán.

[Lợi nhuận của TPBank đạt trên 1.205 tỷ đồng, tăng trưởng tới 70%]

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú chia sẻ: “Năm 2018, TPBank có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận năm 2017 với tỷ lệ trên 8%. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm ngân hàng này lên kế hoạch trả cổ tức. Ngân hàng cũng đang hoàn tất giao dịch bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ và sẽ tiến hành chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 20% từ nguồn thặng dư của đợt phát hành này.”

Về mức giá chào sàn 32.000 đồng/cổ phiếu, ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Tổng giám đốc SSI, đơn vị tư vấn cho biết, mức giá này được định giá dựa trên nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, cơ bản dựa vào quy mô ngân hàng và mức độ, hiệu quả tăng trưởng và kế hoạch kinh doanh trong tương lai.

Ông Nam cho biết thêm, hiện nay cổ phiếu ngân hàng đang có sức tăng trưởng tốt. Nguyên do là tự thân các ngân hàng đã giải quyết được nhiều vấn đề như nợ xấu, kinh doanh đang có mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các ngành.

Trả lời câu hỏi về lộ trình tăng vốn, bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, toàn bộ các phương án tăng vốn này dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2018. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng tới cuối năm 2018 dự kiến sẽ tăng lên 8.533 tỷ đồng, từ mức 5.842 tỷ đồng cuối năm 2017.

Cũng trong kỳ Đại hội này, TPBank cũng trình cổ đông thông qua việc chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi mà cổ đông lớn IFC đang nắm giữ thành cổ phiếu phổ thông. Như vậy, thay vì nhận mức cổ tức cố định hàng năm (8,5%), cổ đông IFC sẽ chính thức sở hữu cổ phần phổ thông với tỷ lệ cổ tức thay đổi hàng năm.

Năm 2018, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần gấp đôi so với 2017, tăng 82,65% với số tuyệt đối là 2.200 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 11% lên gần 140.000 tỷ đồng và kiểm soát nợ xấu ở dưới mức quy định. TPBank cũng kỳ vọng vốn hóa thị trường của ngân hàng sẽ tăng lên ít nhất 1 tỷ USD trong năm 2018 sau khi cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE.

TPBank kỳ vọng vốn hóa thị trường tăng lên 1 tỷ USD sau khi niêm yết ảnh 2Giao dịch tại TPBank. (Nguồn: TPBank)

TPBank thành lập năm 2008 với tên gọi tiền thân là Tienphong Bank. Năm 2012, Tập đoàn Đá quý Doji do ông Đỗ Minh Phú làm Chủ tịch và những người liên quan đã tiến hành mua lại gần 20% cổ phần khi ngân hàng tăng vốn theo Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Nhờ tái cơ cấu thành công, giữa năm 2015, TPBank đã bù đắp toàn bộ lỗ lũy kế và trở thành ngân hàng điển hình “lột xác” thành công trong số hơn chục ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu giai đoạn 1 (2011-2015).

Năm 2016, Tổ chức tài chính Quốc tế IFC trở thành cổ đông của TPBank với tỷ lệ sở hữu 4,99%. Cách đây chưa lâu, quỹ ngoại PYN Elite Fund đã chi gần 40 triệu USD để sở hữu 4,99% cổ phần ngân hàng với số tiền gần gấp đôi so với IFC trước đó hơn 1 năm. PYN Elite Fund là quỹ đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam và đang sở hữu khối tài sản 444 triệu EUR tính đến cuối tháng 3/2018.

Lãnh đạo TPbank cho biết, với định hướng trở thành ngân hàng số hàng đầu Việt Nam, TPBank đã mạnh tay đầu tư cho công nghệ và liên tiếp đưa ra các sản phẩm, dịch vụ nổi trội trên thị trường như TPBank eBank, eBank Biz, TPBank QuickPay…

Đây là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đưa vào hoạt động thành công mô hình Ngân hàng tự động 24/7 TPBank LiveBank, cho phép thực hiện gần như đầy đủ các giao dịch cơ bản tại một chi nhánh, có thể tương tác với tư vấn viên từ xa thông qua video call và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người sử dụng.

Tính đến 31/3/2018, TPBank có gần 60 điểm LiveBank trên toàn quốc. Ngân hàng cũng ra mắt ứng dụng TPBank QuickPay - ứng dụng chuyển tiền bằng điện thoại thông qua mã QR, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng ở mọi lứa tuổi khác nhau.

Trong 3 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của TPBank không ngừng tăng trưởng và đạt được những kết quả khả quan. Có thể nói, TPBank là ngân hàng phát triển mạnh nhất tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2017 dựa trên các tiêu chí: tốc độ tăng trưởng, chất lượng tài sản, quy mô vốn và vị thế của TPBank theo xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế. Quy mô tổng tài sản của ngân hàng tăng trưởng mạnh qua các năm, từ 76.200 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 124.000 tỷ đồng năm 2017, tăng gần 63%. Còn lợi nhuận trước thuế cũng tăng 51%, từ 626 tỷ đồng năm 2015 lên 1.206 tỷ đồng năm 2017.

TPBank kỳ vọng vốn hóa thị trường tăng lên 1 tỷ USD sau khi niêm yết ảnh 3Lợi nhuận của TPBank từ năm 2012-2018. Đơn vị: Tỷ đồng

TPBank nằm trong nhóm các ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng với con số đạt được năm 2017 là 1.206 tỷ nhờ tăng trưởng thu nhập lãi thuần đạt 150% so với năm 2016, mở rộng dịch vụ thanh toán và hiệu quả giao dịch trái phiếu Chính phủ.

Chất lượng tài sản của TPBank được đánh giá tốt, chỉ số nợ xấu ở mức thấp so với trung bình ngành và tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất trong các ngân hàng có quy mô tương đương. Có thể thấy, TPBank đã trở thành một trong các tổ chức tăng trưởng ấn tượng nhất trong các năm qua./.

Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú chia sẻ về hoạt động kinh doanh ngân hàng
(Vietnam+)`

Tin cùng chuyên mục