Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank-mã chứng khoán: TPB) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và sáu tháng đầu năm 2023.
Năm nay là một năm nhiều thách thức, khó khăn đối với ngành ngân hàng và nền kinh tế nói chung. Việc các ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2022, Fed liên tục tăng lãi suất, kèm với đó là tình trạng đóng băng ở thị trường tài sản, đã tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng trong nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/6/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 3,13%, thấp hơn rất nhiều so với nửa đầu năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%). Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Trong bối cảnh này, TPBank đã sớm đưa ra những kế hoạch thận trọng để phát triển đúng hướng, đạt kết quả tăng trưởng khả quan, tích cực. Dẫu thị trường còn nhiều khó khăn, TPBank vẫn đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu kinh doanh theo kế hoạch đề ra và giữ được đà tăng trưởng. Cụ thể, TPBank tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trước thuế khả quan, đạt gần 3.400 tỷ đồng.
Nguồn thu chủ yếu của ngân hàng vẫn đến từ nguồn thu nhập lãi thuần, nhưng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi có sự cải thiện tích cực khi tăng lên mức 28% trên tổng thu nhập. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 1.500 tỷ đồng tính đến ngày 30/6, tương đương tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này đến từ việc không ngừng tăng trưởng về quy mô hoạt động và mở rộng tệp khách hàng cả về chất và lượng, thông qua nền tảng ngân hàng số vững mạnh để đa dạng hóa về dịch vụ, sản phẩm theo từng nhu cầu của khách hàng.
Cũng theo số liệu từ TPBank, tổng huy động đã đạt trên 302.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt gần 343.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
[TPBank giảm lãi suất lần thứ 5, hỗ trợ khách hàng 323 tỷ đồng lãi suất]
Trong đầu năm 2023, bên cạnh việc chia cổ tức bằng tiền mặt 25%, TPBank cũng đã tăng vốn điều lệ lên mức 22.016 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 39,19%.
Tổng dư nợ trên thị trường 1 tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đạt mức gần 7%, cao hơn mức trung bình ngành với tỷ lệ tăng trưởng chỉ hơn 4%.
TPBank cũng duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel III ở mức trên 11% nhờ luôn chủ động các kế hoạch quản trị tốt nhất về chất lượng tài sản, duy trì và củng cố sức mạnh toàn diện trong hệ thống quản trị, đáp ứng sớm và đầy đủ các chuẩn mực quốc tế khắt khe nhất, bên cạnh việc luôn chủ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong phạm vi an toàn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Đề cập tới vấn đề này, Công ty chứng khoán KBSV gần đây đã đưa ra nhận định: “TPBank đã có sự chuẩn bị về kiểm soát chất lượng tài sản cho giai đoạn khó khăn sắp tới của năm 2023.”
Mặc dù đã đi trước thị trường khi tuân thủ hoàn toàn chuẩn mực Basel III từ năm trước, đến nay, TPBank vẫn tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro hiện đại bằng việc triển khai dự án Basel III nâng cao, tính vốn dựa trên phương pháp Xếp hạng Nội bộ bao gồm cả cơ bản và nâng cao (FIRB & AIRB) để tối ưu hóa chi phí vốn, nâng cao năng lực quản trị.
Khi ứng dụng các kết quả này vào hoạt động kinh doanh, TPBank sẽ đảm bảo tỷ lệ thanh khoản, đòn bẩy tốt cũng như đủ vốn dự trữ để thích ứng với các biến động của thị trường và nền kinh tế.
Là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc cam kết giảm lãi suất nhằm đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, trong sáu tháng năm 2023, TPBank liên tiếp công bố các đợt giảm lãi suất lớn và hiệu quả. Theo đó, hàng loạt khoản vay mới và cũ tại TPBank đều được giảm lãi, gia hạn.
Có những khoản vay đủ điều kiện có thể được giảm tối đa tới 3,6%, giúp người đi vay bớt nỗi lo trả lãi ngân hàng, an tâm làm ăn, kinh doanh. Trong nửa cuối năm 2023, TPBank vẫn giữ cam kết đồng hành cùng khách hàng với những chương trình hạ lãi suất thiết thực và kịp thời, để cùng chia sẻ, vượt qua khó khăn và đón đầu những tín hiệu phục hồi tích cực từ thị trường.
Với kim chỉ nam là sự thấu hiểu, đồng hành và lấy khách hàng làm trung tâm để phục vụ, TPBank tiếp tục nhận được đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng và là một trong 10 Ngân hàng Thương Mại Việt Nam Uy Tín theo xếp hạng của VNR500, TPBank cũng lọt Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất theo Tạp chí Forbes năm thứ ba liên tiếp nhờ đảm bảo duy trì sự hiệu quả và bền vững vượt trội từ năm 2021 đến nay.
Gần đây, theo báo cáo phân tích của chứng khoán VnDirect, trước khó khăn chung của toàn ngành, lợi nhuận ròng của TPBank tăng trưởng ở mức vừa phải nhưng về dài hạn, theo đánh giá của tổ chức này, TPBank vẫn là một trong những ngân hàng dẫn đầu xu hướng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.
Trên sàn chứng khoán, VnDirect vẫn đánh giá cao mã TPB duy trì giá khuyến nghị 31.000/cổ phiếu, chứng tỏ sức hút của mình với diễn biến khá tích cực khi thuộc nhóm có tỷ suất sinh lời cao nhất ngành ngân hàng./.