TP.HCM: Chuyển đổi Số góp phần xây dựng ngành cấp nước thông minh

Ứng dụng AI trong chăm sóc khách hàng, quản lý mạng lưới và điều hành sản xuất, kinh doanh là những giải pháp được ngành cấp nước TP.HCM triển khai, góp phần xây dựng ngành cấp nước thông minh.
TP.HCM: Chuyển đổi Số góp phần xây dựng ngành cấp nước thông minh ảnh 1Khách mời tham quan trình diễn một số giải pháp ứng phó sự cố cấp nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực hiện nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho hơn 10 triệu người dân Thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua, ngành cấp nước thành phố chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại, Chuyển đổi Số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm sóc khách hàng.

Quản lý khách hàng theo định danh điện tử

Là một trong những Công ty thành viên của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), thời gian qua, Công ty Cổ phần Cấp nước Tân Hòa không ngừng nỗ lực triển khai các giải pháp đổi mới, hiện đại hóa quy chế, chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến và đặc biệt hệ thống giám sát tự động có tính linh hoạt cao, tuân thủ tuyệt đối về an toàn an ninh mạng nhằm đảm bảo khả năng phục vụ chương trình Chuyển đổi Số, góp phần phát triển hệ thống cấp nước thông minh.

Công ty Cổ phần Cấp nước Tân Hòa triển khai chăm sóc khách hàng qua đa kênh dịch vụ, nổi bật kênh Zalo OA Tân Hòa đã có 68.115/151.255 khách hàng quan tâm. Việc tiếp nhận, xử lý đơn qua Zalo rất phổ biến.

Ngoài ra, Công ty tập trung thực hiện số hóa các hồ sơ hoàn công gắn mới đồng hồ nước khách hàng, công trình, dự án gồm xử lý giao cắt, phát triển mạng lưới cấp nước, ống mục, hình ảnh… từ file số hóa đưa vào dữ liệu Tân Hòa GIS lưu trữ, tra cứu ngoài hiện trường từ đó tại vị trí đồng hồ khách hàng tra cứu được hồ sơ lịch sử đồng hồ.

Đặc biệt, Công ty thí điểm giảm thất thoát nước, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng bằng đồng hồ nước thông minh và triển khai lắp đặt đồng hồ điện tử đối với khách hàng là doanh nghiệp, chung cư…góp phần xây dựng ngành cấp nước thông minh.

[Chuyển đổi Số - cách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất trong xu thế mới]

Theo ông Nguyễn Trần Lam, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Tân Hòa, trước đây nhân viên công ty khi dò tìm đường ống rò rỉ phải qua các bước đọc chỉ số, đóng van bước để kiểm tra lưu lượng nước có tăng cao hay không, từ đó mới đoán nguy cơ rò rỉ.

Nhân viên trực tiếp mở tủ đồng hồ ghi lại chỉ số, cách 30 phút phải đi ghi chỉ số một lần, sau đó tự tính toán mức độ rò rỉ thủ công. Từ khi nghiên cứu và áp dụng công cụ tự động tính toán số liệu van bước và cảnh báo bất thường, các giai đoạn làm việc của nhân viên được rút ngắn.

Với việc quản lý mạng lưới đường ống quy mô gần 11.000 km và số lượng đấu nối dịch vụ gần 1,6 triệu đồng hồ nước khách hàng để đảm bảo duy trì 100% hộ dân được cung cấp nước sạch với hơn 10 triệu người dân đang làm việc, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc ứng dụng công nghệ, Chuyển đổi Số góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động của ngành cấp nước thành phố.

Theo Sawaco, đến tháng 6/2023, ngành cấp nước thành phố thu thập và cập nhật thông tin khách hàng, số định danh cá nhân cho gần 1,6 triệu số định danh/7.170.000 nhân khẩu được cấp định mức nước hiện hữu, đạt 22,27%. Đây là cơ sở để quản lý định mức nước sinh hoạt phù hợp yêu cầu mới, nhất là quản lý khách hàng theo hình thức định danh điện tử.

Theo báo cáo đánh giá sự hài lòng đối với chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công ích trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 do Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ cấp nước là 84,9%.

Kết quả đánh giá này cho thấy ngành nước thành phố luôn nỗ lực không ngừng mang lại chất lượng dịch vụ cung cấp nước sạch tốt nhất cho người dân thành phố. Từ đó duy trì 100% hộ dân được cấp nước sạch, hướng đến tăng số lượng khách hàng và tăng sản lượng tiêu thụ nước sạch một cách bền vững.

Chuyển đổi Số góp phần tối ưu hóa quy trình, hiệu quả sản xuất, dịch vụ

Lãnh đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, Chuyển đổi Số là xu hướng quan trọng trong nhiều lĩnh vực của doanh nghiệp bao gồm việc áp dụng công nghệ số hóa để cải thiện quy trình làm việc, tương tác khách hàng và quản lý dữ liệu. Để thực hiện công tác Chuyển đổi Số một cách có định hướng và đi vào chiều sâu, Sawaco xây dựng và ban hành “Đề án phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”.

TP.HCM: Chuyển đổi Số góp phần xây dựng ngành cấp nước thông minh ảnh 2Nhân viên Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn trực tiếp nhận hồ sơ mã định danh tại trụ sở khu phố 4, thuộc phường 8, quận 8. (Nguồn: Sawaco)

Với đề án này, Sawaco tập trung hoàn thiện giải pháp phục vụ công tác quản lý điều hành, quản lý mạng lưới và quản lý khách hàng, trong đó triển khai ứng dụng chăm sóc khách hàng trên nền tảng di động, cung cấp dịch vụ trực tuyến, trung tâm chăm sóc khách hàng giúp người dân tiếp cận dịch vụ cấp nước một cách nhanh chóng, kịp thời. Hệ thống Văn phòng điện tử áp dụng chữ ký số nhằm quản lý, xử lý hồ sơ theo một quy trình xuyên suốt từ đơn vị đến Tổng Công ty, liên thông văn bản với Sở, ban, ngành, đầu tư thiết bị thông minh trên mạng lưới cấp nước, xây dựng, triển khai giải pháp ứng dụng quản lý toàn bộ hạ tầng mạng lưới cấp nước với trung tâm điều hành tổng thể hiện đại…

Theo Ban giám đốc, qua thực tiễn của công tác Chuyển đổi Số, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Sawaco mang lại nhiều lợi ích, giúp tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu suất và cải thiện dịch vụ. Trước khi Chuyển đổi Số, công tác chăm sóc khách hàng chủ yếu là qua tiếp xúc trực tiếp hoặc điện thoại gây khó khăn và mất thời gian cho khách hàng.

Hiện nay, Sawaco triển khai nhiều giải pháp như, Hệ thống quản lý khách hàng tập trung, ứng dụng chăm sóc khách hàng trên nền tảng di động, nền tảng Zalo, dịch vụ khách hàng trực tuyến, cổng thanh toán online…mang lại cho khách hàng nhiều thuận lợi, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ của Sawaco.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) tạo bản đồ số hóa cho hệ thống cấp nước giúp tối ưu hóa cách thức quản lý tài nguyên, hạ tầng mạng lưới, dễ dàng cập nhật thông tin và đảm bảo tính chính xác, hiệu quả trong quản lý tài sản, khai thác thông tin mạng lưới cấp nước.

“Khi chưa thực hiện Chuyển đổi Số, sự thất thoát nước do rò rỉ, hỏng hóc hoặc gian lận khó được phát hiện kịp thời. Khi chuyển sang sử dụng các hệ thống giám sát và cảm biến hệ thống phát hiện, thông báo sự thất thoát nước ngay khi xảy ra. Sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sửa chữa và bảo trì, giúp giảm thiểu thất thoát, tiết kiệm tài nguyên,” ông Nguyễn Văn Đắng cho biết.

Với những kết quả đạt được, lãnh đạo Tổng công ty cho biết thời gian tới, đơn vị xác định mức độ Chuyển đổi Số là toàn diện, được lên kế hoạch và thực hiện theo nhiều giai đoạn với tầm nhìn dài hạn. Ngành cấp nước thành phố sử dụng GIS để theo dõi và quản lý hệ thống mạng lưới cấp nước giúp nâng cao hiệu suất, tiết kiệm tài nguyên; đồng thời, Chuyển đổi Số trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ khách hàng thông qua ứng dụng di động, chatbot, cổng thông tin điện tử để cung cấp trải nghiệm tốt hơn, tiết kiệm thời gian cho khách hàng.

Trong công tác quản lý vận hành, ngành cấp nước thành phố tập trung sử dụng các cảm biến để giám sát chất lượng nước, lưu lượng áp lực, thất thoát nước, tình trạng thiết bị; đồng thời kết hợp dữ liệu từ IoT phân tích, dự đoán sự cố, từ đó tối ưu hóa vận hành mạng lưới hướng đến xây đựng một hệ thống điều khiển vận hành mạng lưới cấp nước hoàn toàn tự động.

Ngành xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan đến khách hàng, vật liệu, tiêu chuẩn và các dự án. Điều này giúp nâng cao khả năng tìm kiếm, quản lý thông tin.

Sawaco áp dụng phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo tối ưu hóa quy trình sản xuất, vận hành và dịch vụ. “Điều này giúp tăng cường hiệu suất và giảm thiểu lãng phí,” lãnh đạo Tổng công ty nhấn mạnh đồng thời cho biết ngành cấp nước thành phố tiếp tục nghiên cứu nhiều giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác chăm sóc khách hàng, quản lý mạng lưới và điều hành nhằm định hướng trở thành doanh nghiệp số, doanh nghiệp cấp nước thông minh của Việt Nam với mục tiêu hiện đại hóa công nghệ, hướng tới tự động hóa trong hoạt động sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục