TP.HCM kiên quyết ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc nhập lậu

TP.HCM kiên quyết ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc nhập lậu

Cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều container chứa hàng bách hóa Trung Quốc nhập khẩu không khai báo, trong đó có nhiều hàng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ.
TP.HCM kiên quyết ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc nhập lậu ảnh 1Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một lô hàng nhập lậu. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liên tục trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường, hải quan liên tục phát hiện nhiều lô hàng bách hóa có xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu không khai báo tại nhiều cảng của Thành phố Hồ Chí Minh, một số lô hàng đã được xác định "vô chủ."

Ông Trần Bá Tùng, Phó đội trưởng phụ trách Đội Kiểm soát chống buôn lậu, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết bên cạnh những mặt hàng nhập lậu trốn thuế, cơ quan hải quan đã phát hiện rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... trong các container đã kiểm tra.

Hàng lậu ồ ạt vào cảng

Tình trạng nhập lậu, không khai báo các loại hàng hàng hóa được dư luận Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm từ cuối năm 2013, khi cơ quan chức năng phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhất Minh làm thủ tục nhập khẩu 10 container hàng Trung Quốc.

Lô hàng được chương trình máy tính phân luồng đỏ, kiểm tra đại diện 5%. Qua kiểm tra tỷ lệ 5% đúng với khai báo của doanh nghiệp, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 làm thủ tục cho thông quan.

Tuy nhiên, sau khi hàng rời khỏi cảng, cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu nghi vấn nên đã kiểm toàn bộ lô hàng, phát hiện có nhiều mặt hàng Trung Quốc sai khai báo hải quan, nhiều mặt hàng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ, như giày hiệu Nike (ghi made in Viet Nam); thuốc nhuộm tóc “16 power” (ghi sản xuất và phân phối tại An Phước, Long Thành, Đồng Nai); máy sấy tóc Fujika-3001 (ghi made in Japan); bao bì dầu gió xanh Eagle (ghi xuất xứ Singapore)… Tuy nhiên, đến nay chủ của hai lô hàng trên vẫn không lộ diện.

Theo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm này các cơ quan chức năng đã phát hiện 108 container hàng theo dạng này, hiện đã kiểm tra được khoảng 70 container. Đặc biệt, qua kiểm tra thực tế đã xác định 14 container trong số đó là vô chủ.

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 cho biết 14 container hàng bách hóa Trung Quốc nêu trên nhập khẩu về cảng VICT Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối tháng 12/2013, người nhận vẫn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (7 container) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhất Minh (7 container). Nhưng đến ngày 23/4, chủ hàng vẫn chưa đến làm thủ tục thông quan, mặc dù cơ quan hải quan đã thực hiện các thủ tục thông báo theo quy định.

Để xử lý số hàng nêu trên, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 đã ban hành quyết định khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với 14 container với sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan.

Sau năm ngày khám xét, đến chiều ngày 29/4, Tổ công tác đã hoàn tất việc với 10/14 container hàng. Qua đó, phát hiện trong mỗi container có hàng chục mặt hàng khác nhau, chủ yếu gồm các mặt hàng bách hóa mới 100%, như mỹ phẩm, khẩu trang y tế, bóng đèn, linh kiện xe máy, bulông con tán, bếp hồng ngoại; nước ngọt, hóa chất… Ngoài ra, có một số máy móc đã qua sử dụng, cũ nát.

Quyết liệt xử lý các sai phạm

Từ thực tế nêu trên, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-TCHQ đối với hàng bách hóa Trung Quốc tồn đọng tại các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là kế hoạch nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại, trốn thuế trong việc nhập khẩu hàng bách hóa, tiêu dùng có xuất xứ từ Trung Quốc; phát hiện xử lý các sai phạm đối với số container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang tồn tại các cảng Thành phố Hồ Chí Minh, truy thu thuế cho ngân sách Nhà nước.

Sau quá trình kiểm tra hàng hóa đối với các container hàng tồn, theo đánh giá của cơ quan hải quan, phần lớn các doanh nghiệp có liên quan đều có mặt và sẵn sàng chấp hành theo yêu cầu của Tổ công tác.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai kế hoạch trên cũng đã phát sinh một số vướng mắc, điển hình như tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4, một số doanh nghiệp chưa đến làm thủ tục hải quan vì phí lưu bãi quá lớn (từ 50-60 triệu đồng/container) nên nhiều doanh nghiệp viện lý do gặp khó khăn về tài chính, chưa có tiền đóng các khoản phí này, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch. Đồng thời, do các container là hàng bách hóa, có rất nhiều mặt hàng khác nhau khiến việc xác định hành vi vi phạm để có xử lý phù hợp rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Một thực tế trong quá trình kiểm tra thời gian qua nữa là nhiều doanh nghiệp không hợp tác đầy đủ với cơ quan hải quan để xuất trình hàng hoá kiểm tra, gây khó khăn cho triển khai nhiệm vụ.

Trước tình hình này, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ có các biện pháp đấu tranh quyết liệt, trong đó nếu doanh nghiệp không mở tờ khai hải quan để làm thủ tục, Tổ công tác sẽ thực hiện lệnh khám xét.

Ông Trần Bá Tùng cho biết sau khi có các đợt cao điểm kiểm tra phát hiện hàng bách hóa nhập lậu của cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố, lượng container loại hàng này làm thủ tục nhập khẩu đã giảm rõ rệt (giảm 2/3 so với trước).

Tuy nhiên, hiện trên thị trường vẫn thấy xuất hiện nhiều loại hàng lậu, điều này cho thấy có thể hàng vào Thành phố Hồ Chí Minh bằng nhiều con đường khác nhau. Vì vậy, để xử lý triệt để vấn đề này cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn cũng như sự phối hợp tốt nữa của các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục