TP.HCM: Số ca tử vong và nhập viện do dịch COVID-19 ngày càng giảm sâu

Số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại TP.HCM được ghi nhận giảm mạnh, có 131 ca tử vong trong ngày 26/9; trong khi cuối tháng 8/2021, con số này lên đến hơn 350 trường hợp.
TP.HCM: Số ca tử vong và nhập viện do dịch COVID-19 ngày càng giảm sâu ảnh 1Bác sỹ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng ở quận Tân Bình. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 26/9, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc chống dịch trên địa bàn thành phố đang có hiệu quả.

Những con số tích cực

Trong những ngày qua, số ca mắc mới, bệnh nhân nặng và tử vong có xu hướng giảm dần, trong khi số bệnh nhân xuất viện tăng lên nhanh.

Cụ thể, trong ngày 25/9, thành phố ghi nhận 3.512 bệnh nhân nhập viện, giảm mạnh so với những ngày trước đó.

Số bệnh nhân nặng đang thở máy giảm còn 1.918 ca trong ngày 25/9, trong khi con số này vào ngày 23/9 là 2.037 ca; ngày 21/9 là 2.174 ca. Số bệnh nhân tử vong do COVID-19 cũng ghi nhận giảm mạnh, có 131 ca tử vong trong ngày 26/9; trong khi cuối tháng 8/2021, con số này lên đến hơn 350 trường hợp.

Tương quan với các chỉ số này là số bệnh nhân xuất viện ghi nhận ngày càng nhiều. Trong ngày 25/9, Thành phố Hồ Chí Minh có 3.495 bệnh nhân xuất viện, tăng 700-800 ca so với cách đây 5-6 ngày.

[Chậm nhất ngày 8/10 có đủ gạo xuất cấp hỗ trợ cho TP.Hồ Chí Minh]

Điểm tích cực trong công tác phòng, chống dịch cũng thể hiện qua tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện qua các đợt xét nghiệm cộng đồng ngày càng giảm.

Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố bắt đầu bước vào đợt cao điểm xét nghiệm từ ngày 22/9.

Trung bình mỗi ngày thành phố lấy khoảng 1 triệu mẫu xét nghiệm. Qua 8 ngày, ngành y tế đã lấy mẫu 2 đợt cho tất cả các vùng và tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 cũng giảm dần qua từng đợt.

Cụ thể, ở “vùng xanh,” nếu như ngày 22/9 tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện là 0,2%, thì đến ngày 25/9 chỉ còn 0,1%; vùng "cận xanh" ngày 22/9 là 0,3%, giảm còn 0,2% vào ngày 25/9;  riêng ở "vùng vàng" không thay đổi là 0,2 %.

Đáng chú ý, ở khu vực "vùng cam" chỉ ghi nhận 0,3% số ca dương tính với SARS-CoV-2, trong khi ngày 22/9 tỷ lệ này là 0,6%. Tương tự, kết quả xét nghiệm ở khu vực "vùng đỏ" cho thấy tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 giảm mạnh chỉ còn 0,4%, từ mức 0,7% ngày 22/9.

Các kế hoạch chống dịch trong tình hình mới

Với diễn biến dịch có chuyển biến tích cực như trên, đại diện Sở Y tế thành phố cho biết từ nay đến cuối năm ngành y tế sẽ có thêm các kế hoạch chống dịch để theo sát với tình hình thực tế.

Về kế hoạch thu hẹp, trả lại công năng của các bệnh viện dã chiến đặt ở chung cư khu tái định cư, trường học, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết quan điểm phòng, chống dịch của ngành y tế luôn thống nhất ưu tiên hàng đầu là tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. 

TP.HCM: Số ca tử vong và nhập viện do dịch COVID-19 ngày càng giảm sâu ảnh 2Sinh viên ngành sức khỏe Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia tình nguyện, thực hiện ghi dữ liệu mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Tùy theo tình hình dịch bệnh, sở sẽ có kết hoạch thu hẹp các giường bệnh, cơ sở điều trị, thu dung bệnh nhân COVID-19 phù hợp.

Tuy nhiên, theo kế hoạch của thành phố, những bệnh viện ở “vùng xanh” từ nay đến cuối tháng 9 sẽ được trả lại công năng để tham gia điều trị bệnh nhân không phải COVID-19, cụ thể là Bệnh viện Quận 7 và Bệnh viện đa khoa Củ Chi.

Đối với các bệnh viện dã chiến thu dung, khi các bệnh viện đã hoàn thành sứ mệnh, tức là khi không còn bệnh nhân, thì cơ sở đó sẽ được thu hẹp lại.

Theo kế hoạch, các bệnh viện dã chiến thu dung tại khu vực quận, huyện, thành phố sẽ dần thu hẹp từ nay đến hết tháng 12/2021 để trả lại trường học cho có các cơ sở giáo dục.

Còn về cơ sở dã chiến thu dung, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, ngành y tế sẽ cơ cấu lại bệnh viện 3 tầng trong một bệnh viện dã chiến và sẽ giữ lại các bệnh viện có gắn kết với trung tâm hồi sức, gồm Bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16.

Đối với kế hoạch mở cửa sau ngày 30/9, đại diện Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch này tùy thuộc vào quy định của Bộ Y tế liên quan đến hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.”

Hiện hướng dẫn này chỉ mới là dự thảo nên các kế hoạch thành phố xây dựng cũng mới là dự thảo nên chưa thể công bố chính xác ở thời điểm này.

Để đảm bảo yếu tố khách quan, phù hợp với diễn biến phòng, chống dịch trên địa bàn, mới đây ngay 24/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.

Văn bản này ghi rõ, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá rất cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” tuy nhiên với đặc thù của thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Thủ tướng xem xét cho thành phố áp dụng quy định riêng do Thủ tướng Chính phủ quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế. Thành phố sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm ưu tiên vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn.

“Theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về “Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” có một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như chưa phù hợp với thực tế lịch sử, địa lý, dân số…,” ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân Ủy ban Nhân dân thành phố có văn bản nêu trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục