Với mục tiêu đảm bảo chiến lược trở lại trạng thái “bình thường mới” sống trong an toàn, tỉnh Bình Dương chú trọng mở nhiều Trạm y tế lưu động gần với người dân, doanh nghiệp và những “pháo đài” phường, xã.
Ngày 26/9, thêm Trạm y tế lưu động thứ 3 trong doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương được đặt tại Phòng khám Đa khoa HEPA Phước An ở phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã đi vào hoạt động.
Trạm y tế lưu động có 7 thành viên gồm bác sỹ Nguyễn Xuân Hòa, chuyên khoa nội, lọc máu nhân tạo làm trưởng trạm y tế; 1 bác sỹ khoa nội, 1 bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, 2 y sỹ đa khoa và 2 điều dưỡng phụ trách.
Trạm có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nghi nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp; thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp; triển khai các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 và xét nghiệm...
Cơ sở làm việc của trạm tối thiểu phải bố trí nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết; có thu gom rác thải y tế và có chỗ nghỉ cho nhân viên y tế...
Trước đó, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thị xã Tân Uyên cùng vừa đưa vào vận hành 2 trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp tại phường Hội Nghĩa và Cụm công nghiệp Phú Chánh.
Từ nay đến cuối tháng 10/2021, thị xã Tân Uyên vận hành thêm 8 trạm y tế lưu động gần dân, gần doanh nghiệp để phục vụ trong điều kiện “bình thường mới.”
Do đặc thù của Bình Dương có nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút hàng triệu người lao động. Song song đó, các khu nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê ở nằm đan xen với nhà máy.
Đây là nguyên nhân làm gia tăng dịch bệnh trong thời gian vừa qua; nhiều khu nhà trọ không đảm bảo đủ điều kiện để F0 điều trị tại phòng trọ.
Do đó, việc đưa trạm y tế đến gần doanh nghiệp là một giải pháp được cho là tích cực giúp người dân, công nhân tiếp cận nhanh với y tế cơ sở; đồng thời có thể điều trị COVID-19 ngay tại chỗ và hỗ trợ những F0 tại nhà.
[Từ 27/9, Bình Dương áp dụng quét mã QR để phòng, chống dịch COVID-19]
Trên cơ sở này, ngành y tế tỉnh Bình Dương xây dựng chính sách đặc biệt cho trạm, đầu tư trang thiết bị y tế, tổ chức lại nhân lực từ 4 nguồn công lập, tư nhân, cán bộ về hưu và tình nguyện viên; phấn đầu 100% xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trạm y tế lưu động và mở rộng thêm giường bệnh tại trạm y tế hiện hữu; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động để vừa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, vừa phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở, vừa theo dõi tình hình dịch bệnh tại các khu, cụm công nghiệp sau khi các doanh nghiệp trở lại sản xuất trong điều kiện “bình thường mới.”
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết hiệu quả của trạm y tế lưu động đưa xuống gần người dân đã làm giảm áp lực cho các trung tâm cách ly tập trung, hạn chế chuyển ca bệnh lên tuyến trên; đồng thời còn có nhiệm vụ hỗ trợ F0 cách ly tại nhà và điều trị bệnh COVID-19...
Tuy nhiên, hiện nay nhân lực tham gia trạm y tế lưu động làm một lúc nhiều việc vừa tư vấn sức khỏe, vừa tiếp nhận, xử lý các yêu cầu hỗ trợ từ các F0 đến việc cấp phát thuốc theo dõi sức khỏe tại nhà, chuyển viện, thực hiện xét nghiệm, tiêm vaccine nên có thời điểm rất áp lực.
Trong khi đó, trang thiết bị vật tư y tế còn hạn chế như thiếu bình oxy loại nhỏ, vướng một số thủ tục hành chính cho các bệnh nhân chăm sóc F0 tại nhà...
Người đứng đầu ngành y tế Bình Dương cho hay để khắc phục những hạn chế trên, ngành y đang mua sắm vật tư y tế, thuốc; đưa đội ngũ y tế hỗ trợ phối hợp cùng địa phương tại chỗ. Tuy nhiên, về lâu dài cần đào tạo nguồn nhân lực y tế chuyên môn cho lĩnh vực này.
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bình Dương đã thống nhất chủ trương thành lập 142 Trạm y tế lưu động tại các khu dân cư, cụm công nghiệp và tại những “pháo đài” nhằm đưa y tế đến gần với người dân nhất có thể.
Đây là mô hình được cho phù hợp sau khi tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội tại những “vùng xanh”, khôi phục kinh tế-xã hội và sản xuất tại các khu công nghiệp trong điều kiện “bình thường mới”./.