TP.HCM trao giấy phép đầu tư cho 5 doanh nghiệp vốn FDI

Sáng 21/6, TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư lên tới 220 triệu USD.
TP.HCM trao giấy phép đầu tư cho 5 doanh nghiệp vốn FDI ảnh 1Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Sáng 21/6, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư lên tới 220 triệu USD; trong đó có 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư cấp mới hơn 168 triệu USD, 2 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn đầu tư trên 51 triệu USD.

Ba doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư mới là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngôi nhà Đức Thành phố Hồ Chí Minh (Hong Kong-Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư gần 39 triệu USD; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (Nhật Bản), có tổng vốn đầu tư 128,5 triệu USD; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nikken Việt Nam (Nhật Bản), với tổng vốn đầu tư 711.000 USD (cơ khí chính xác).

Hai doanh nghiệp tăng vốn đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam (Nhật Bản) tăng thêm vốn đầu tư trên 43 triệu USD; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Freetrend Industrial A (Hong Kong-Trung Quốc) tăng thêm 8 triệu USD vốn đầu tư vào thành phố.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Thành phố và là minh chứng cụ thể sự tin tưởng và cam kết gắn bó lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài đã chọn thành phố là điểm đến để triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh một số sự kiện diễn biến không thuận lợi trong thời gian gần đây.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng nhận định, để hoàn thành mục tiêu trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiêp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại , khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, đầu tư trực tiếp nước ngoài là một nguồn lực kinh tế quan trọng mà Thành phố Hồ Chí Minh phải thu hút và tạo điều kiện hoạt động một cách hiệu quả.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo các thủ tục hành chính được thông thoáng, an ninh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh được giữ vững, các điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực được cải thiện.

Trao đổi với báo chí bên lề buổi lễ, ông Hans-Dieter Stell, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Liên bang Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, các doanh nghiệp Đức đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ mong muốn thu lợi từ hoạt động kinh doanh, mà còn mong muốn tăng cường hơn nữa sự giao lưu về mọi mặt giữa hai dân tộc, hai quốc gia; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và phát triển bền vững chính là phần cốt lõi trong quan hệ đối tác chiến lược Đức và Việt Nam.

Đại diện cho doanh nghiệp đầu tư, ông Takashi Sakakibara, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nikken (Nhật Bản) cho biết, trước mắt mới đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh số vốn rất hạn chế, tuy nhiên chắc chắn doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh, tăng vốn đầu tư trong vòng 2 năm tới, tập trung vào các lĩnh vực gia công cơ khí, lắp ráp chế tạo máy và sản xuất linh kiện xe hơi.

Ông Takashi Sakakibara cũng đánh giá cao môi trường đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt nguồn là nhân công, cộng thêm các chính sách đầu tư thông thoáng của thành phố sẽ là những điều kiện tiên quyết cho các nhà đầu tư người ngoài quyết định đầu tư, phát triển kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh là 169 dự án với tổng vốn đăng ký 967 triệu USD, đạt 423% so cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, còn có 53 dự án đầu tư điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 110 triệu USD.

Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã tiếp nhận xấp xỉ 1,08 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, gồm cả cấp mới cả điều chỉnh tăng vốn, bằng 202% so cùng kỳ năm trước; trong đó, các dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư.

Tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo cói giá trị vốn đầu tư đăng ký là 234 triệu USD, chiếm 24,1%; đứng thứ ba là lĩnh vực buôn bán và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác với 178 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 18,4%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục