TP.HCM và ĐBSCL cùng nhau phát triển du lịch bằng công nghệ

Ngày 11/7, tại Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp tổ chức Ngày hội chuyển đổi số du lịch với chủ đề “Chuyển đổi số-Động lực phát triển bền vững.”
TP.HCM và ĐBSCL cùng nhau phát triển du lịch bằng công nghệ ảnh 1Công nghệ thực tế ảo trong du lịch. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 11/7, tại Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp tổ chức Ngày hội chuyển đổi số du lịch với chủ đề “Chuyển đổi số-Động lực phát triển bền vững.”

Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Ngày hội bao gồm nhiều hoạt động: Không gian triển lãm, trưng bày giới thiệu các nền tảng công nghệ trong du lịch, xúc tiến thương mại (B2B) trực tiếp giữa các đơn vị công nghệ và du lịch; tọa đàm chuyên đề về xu hướng công nghệ du lịch mới và thực tiễn ứng dụng công nghệ vào du lịch tại Việt Nam: động lực tăng trưởng bằng công nghệ số cho ngành Du lịch, chuyển đổi số để tăng trưởng bền vững với khách hàng trung thành; diễn đàn “Chuyển đổi số du lịch-Động lực phát triển bền vững.”

Phát biểu tại sự kiện, Tiến sỹ Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam) nêu các giải pháp về chuyển đổi số trong du lịch. Theo đó, tiến tới phổ cập số hóa toàn bộ sẽ tạo ra “một thứ ngôn ngữ toàn cầu,” vượt qua mọi không gian-thời gian, biên giới, rào cản văn hóa, đặc thù, đẳng cấp, thế hệ...

Chuyển đổi số trước hết là về tư duy, để hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới do những chuyển biến mà số hóa tạo nên. Do vậy, chuyển đổi số trong du lịch là cách thay đổi phương thức tiếp cận, trải nghiệm, thanh toán… cho du khách. Từ chỗ khách du lịch bị động trong các tour của mình, ngày nay du khách đã có thể trải nghiệm thực tế ảo về điểm đến, tự lên lịch trình và thanh toán trực tuyến trước các chuyến đi của mình.

Tiến sỹ Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng các địa phương cần chú trọng vào 3 vấn đề chính: chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số ở cấp lãnh đạo; nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số cần được đào tạo bài bản, trang bị đủ kỹ năng để làm chủ được công nghệ. Các địa phương cần liên kết thành một thể thống nhất để tránh "dẫm chân" nhau về sản phẩm du lịch, cũng như sử dụng được các tài nguyên lẫn nhau một cách tối ưu.

[Các địa phương: Tạo nên sự khác biệt từ chuyển đổi số du lịch]

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng để liên kết vùng đạt hiệu quả cao nhất trong chuyển đổi số, cần xây dựng nền tảng dữ liệu về du lịch và đẩy nhanh xây dựng đề án trung tâm du lịch thông minh cho toàn vùng.

Trong công tác điều hành, cần sử dụng phần mềm robot hoạt động 24/7 liên tục quét nội dung trên môi trường mạng, phân tích, theo dõi phát hiện các nội dung có mục đích xấu đến ngành du lịch để đưa ra các cảnh báo sớm. Trong công tác quảng bá, cần mở rộng xuất hiện ở những kênh, nền tảng đang được người dùng sử dụng nhiều, tiêu biểu như các nền tảng Zalo, Facebook, TikTok, Youtube…

Xác định vai trò quan trọng, là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai từ năm 2019, với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các địa phương.

Trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng, với các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể được các địa phương thống nhất, xây dựng hàng năm; trong đó, chuyển đổi số du lịch là một trong những hoạt động trọng tâm của Chương trình năm 2023.

Ông Nguyễn Thực Hiện cho biết thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Riêng đối với chuyển đổi số trong ngành du lịch, thành phố đã triển khai Cổng thông tin du lịch thông minh và Ứng dụng du lịch thông minh thành phố Cần Thơ trên thiết bị di động; qua đó góp phần phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ công tác quản lý hoạt động du lịch, kết nối người dân, du khách và doanh nghiệp tương tác, chia sẻ dữ liệu.

Cổng thông tin du lịch thông minh và Ứng dụng du lịch thông minh thành phố Cần Thơ đã thu hút hơn 8 triệu lượt khách truy cập, tương tác, với số lượng truy cập trung bình mỗi ngày hơn 7.000 lượt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục