Các địa phương: Tạo nên sự khác biệt từ chuyển đổi số du lịch

Lãnh đạo ngành du lịch ở một số địa phương cho rằng chuyển đổi số sẽ giúp nền kinh tế xanh tạo nên khác biệt trong tương lai. Vậy những khác biệt ấy có khả thi và giúp du lịch phục hồi, phát triển?
Các địa phương muốn tìm những lối đi khác biệt cho du lịch hậu COVID-19 nhờ chuyển đổi số. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Các địa phương muốn tìm những lối đi khác biệt cho du lịch hậu COVID-19 nhờ chuyển đổi số. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Không chỉ các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, đơn vị quản lý ngành… phải bước vào “đường đua” chuyển đổi số mà các địa phương trên cả nước cũng đã và đang bứt tốc để tạo nên sự khác biệt cho tương lai ngành du lịch Việt.

Hầu hết lãnh đạo các địa phương đều nhận định việc ngành du lịch lựa chọn chuyển đổi số phải chuyển đổi dần từ tư duy, nhận thức đến hành động và con người là khâu đột phá. Vậy thực tế triển khai ở các địa phương như thế nào?

Ninh Bình - Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ

Được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều sáng tạo và "chịu khó" đầu tư cho kinh tế du lịch, hiện nay các doanh nghiệp ở Ninh Bình đang tích cực triển khai cung cấp thông tin du lịch thông qua các website, cổng thông tin điện tử của Sở Du lịch Ninh Bình, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình, hay qua các nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo...

Cùng với xu thế chung, ngành du lịch Ninh Bình cũng hưởng ứng và đang chuyển đổi số trong toàn ngành. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Mạnh-Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình, thì từ thực tế triển khai ở địa phương ông nhận thấy chuyển đổi số trong ngành du lịch còn rất nhiều gian nan và cần nhiều giải pháp để “gỡ khó.”

[Làm thế nào để chuyển đổi số du lịch bền vững hậu COVID-19?]

Vì vậy, với mục tiêu đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, Ninh Bình sẽ triển khai số hóa “Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành du lịch,” trên nền tảng dữ liệu lớn của tỉnh, triển khai hệ thống báo cáo số tích hợp và kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

“Ninh Bình đang làm và có kế hoạch thuê dịch vụ của Viettel hoặc VNPT và xây dựng cơ sở dữ liệu, dự kiến sẽ xong trong năm nay. Tôi cho rằng mỗi địa phương có tới hàng nghìn doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái số, kinh doanh số thì cần phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển này. Do đó, chuyển đổi số ngành du lịch cần lưu ý tới các vấn đề con người, nhận thức và hạ tầng,” ông Mạnh nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, ông Mạnh đưa ra một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất, nâng cao nhận thức tư duy cán bộ nhà nước, chủ doanh nghiệp về chuyển đổi số. Thứ hai, cơ sở dữ liệu hòa chung và kết nối với các địa phương. Thứ ba, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ. Thứ tư, cần có hướng dẫn cụ thể ở các địa phương, tránh tình trạng mỗi địa phương triển khải một kiểu gây khó khăn cho khách du lịch tiếp cận. Thứ năm, đào tạo nhân lực là khâu đột phá để giải quyết vấn đề đang đặt ra.

Theo lãnh đạo ngành tỉnh Ninh Bình, kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch… là yêu cầu cấp thiết để phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh. Và hơn thế, những người làm du lịch cần phải nhận thức rõ chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, quảng bá...

Thành phố Hồ Chí Minh: Bứt phá với du lịch thông minh

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của ngành du lịch nói chung, đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế xanh sau đại dịch COVID-19, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Du lịch Thông minh. Gần đây nhất, địa phương này đã triển khai hàng loạt các nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý.

Các địa phương: Tạo nên sự khác biệt từ chuyển đổi số du lịch ảnh 1Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh muốn tạo nên khác biệt trong tương lai. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo đó, với Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020-2030, sở du lịch đã triển khai hai nội dung quan trọng là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch và tăng cường thu hút, trải nghiệm cho du khách và người dân.

Với các ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang triển khai, ông Hòa cho biết thời gian qua sở đã vận hành một số ứng dụng như: Phần mềm (app) du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; nâng cấp cổng thông tin điện tử của sở, xây dựng và vận hành riêng trang web thông tin giới thiệu du lịch thành phố www.visithcmc.vn.

Sở cũng thường xuyên đăng tải thông tin mới nhất về hoạt động du lịch thành phố trên mạng xã hội facebook, youtube, instagram nên lượt truy cập, tương tác, chia sẻ ngày càng gia tăng; triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022 nhằm tái hiện không gian một phần thành phố từ trên cao, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị một cách trực quan, sinh động; cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử (shopee, traveloka).

Các địa phương: Tạo nên sự khác biệt từ chuyển đổi số du lịch ảnh 2City tour bằng xe buýt hai tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, thời gian tới, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai hệ thống lắng nghe, phân tích ý kiến trên mạng xã hội (Social listening); nâng cấp, hoàn thiện 13 nhóm cơ sở dữ liệu du lịch của thành phố đồng thời xây dựng booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo cũng như triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch; nâng cấp hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan thành công nghệ RFID và triển khai dự án xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh IOC.

Ngoài ra, địa phương cũng phối hợp với Tổng cục Du lịch và các công ty công nghệ triển khai xây dựng ứng dụng OneApp cung cấp tất cả các thông tin và dịch vụ trực tuyến cho khách du lịch quốc tế đến thành phố; xây dựng sàn giao dịch dịch vụ du lịch; phối hợp các tổ chức du lịch quốc tế triển khai TPO Card và TPO Apps.

Hy vọng với kế hoạch hành động bài bản này, Ninh Bình và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm “cán đích” trên chặng đường chuyển đổi số nền kinh tế xanh, trở thành những điển hình để các tỉnh, thành phố khác trên cả nước có thêm động lực “chạy nước rút” nhằm phát triển du lịch bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục