Tôn vinh Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia nghề đan võng ngô đồng

Lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề đan võng ngô đồng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Festival “Cù Lao Chàm-Mùa Ngô đồng đỏ” 2024 tại xã đảo Tân Hiệp (Quảng Nam).

Cây ngô đồng trên đảo Cù Lao Chàm. (Nguồn: Báo Quảng Nam)
Cây ngô đồng trên đảo Cù Lao Chàm. (Nguồn: Báo Quảng Nam)

Festival “Cù Lao Chàm - Mùa Ngô đồng đỏ” 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19-25/7 tại xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, với rất nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó điểm nhấn là Lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề đan võng ngô đồng.

Lễ hội diễn ra cũng với thời điểm mùa ngô đồng - loài cây biểu tượng của xứ đảo Cù Lao Chàm, gắn với không gian sống, sinh hoạt của người dân nơi đây nở hoa đỏ rộ, khoe sắc thắm trên đảo.

Chương trình khai mạc sẽ diễn ra vào tối 21/7 cùng với nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn. Cùng với đó là nhiều hoạt động diễn ra từ ngày 19-25/7 như giải đua ghe ngang xã Tân Hiệp lần thứ 4 tại cầu cảng Bãi Làng; Trại hè san hô tại bãi biển Bãi Ông.

Tháng 11/2014, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã công nhận 3 loài cây ở Cù Lao Chàm là cây Di sản Việt Nam, trong đó có một cây ngô đồng đỏ ở Hòn Lao, trên 100 năm tuổi.

Tháng 4/2015, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công bố quyết định công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể 3 cây ngô đồng đỏ cổ thụ tại dốc suối Tình, thôn Bãi Làng, có tuổi đời 155-250 năm.

Ngoài ra còn có các sự kiện như triển lãm ảnh ngô đồng đỏ; Trưng bày sản phẩm và trình diễn đan võng ngô đồng; Chương trình “Đêm Cù Lao”; “Chợ đêm Cù Lao”; Phiên chợ giới thiệu kết nối sản phẩm địa phương tại cảng du lịch Cù Lao Chàm.

Sản phẩm nghề đan võng ngô đồng truyền thống của cư dân Cù Lao Chàm là một dạng thức văn hóa dân gian, góp phần minh chứng cho sự tiếp cận, khai thác khá sớm nguồn tài nguyên rừng, nhằm thích ứng với địa hình biển đảo của cộng đồng cư dân nơi đây.

Những tri thức dân gian trong việc khai thác nguyên liệu và đan võng ngô đồng là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự tồn tại của nghề truyền thống này ở Cù Lao Chàm, duy trì bền vững di sản văn hóa của tiền nhân để lại.

Tháng 2/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng ở xã Tân Hiệp, thành phố Hội An vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Theo nhiều người cao niên trên đảo, nghề đan võng cây ngô đồng đã có từ rất lâu không ai biết người khai sinh ra nghề nhưng đến này, nghề vẫn tồn tại và truyền lại cho thế hệ trẻ.

Võng ngô đồng Cù Lao Chàm được nhiều người coi là chiếc võng kỳ công, sản phẩm thủ công độc đáo, bởi sự công phu, tỉ mỉ, nhẫn nại mà người đan đặt vào, từ từng khâu chuẩn bị nguyên liệu, từng sợi võng và công sức để cho ra một sản phẩm kỳ công độc đáo.

Cây ngô đồng mọc ở đâu?

Ngô đồng được tìm thấy và phổ biến ở giữa rừng Xóm Cấm, bãi Làng, bãi Hương trên đảo. Cây ngô đồng mọc nhiều trên những triền núi gần bãi biển ở đảo Cù Lao Chàm.

Nguyên liệu làm nên võng ngô đồng

Nguyên liệu duy nhất để làm võng là vỏ cây ngô đồng, cây này chỉ mọc trên núi cao hoặc vách đá hiểm trở. Bất chấp với mưa bão rễ cây bám chắc vào đá và thân cây luôn dẻo dai, vươn dài như bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

1607vongngodong1.jpg
Vỏ cây ngô đồng là nguyên liệu để đan võng. (Nguồn: Báo Quảng Nam)

Từ tháng 4 đến tháng 7 là mùa cây ngô đồng có hoa nở rộ. Đây cũng là thời điểm người dân trên đảo đi chọn vỏ những cây ngô đồng làm nguyên liệu đan võng. Vỏ cây ngô đồng dùng làm võng phải là cây suôn, thẳng mới cho ra sợi suôn, mềm, dai và chịu lực tốt.

Cách làm võng ngô đồng

Người dân nơi đây cho biết cây ngô đồng sinh trưởng rất tự nhiên do hạt quả già rơi xuống đất rồi mọc lên thành cây. Sử dụng vỏ cây để đan võng là tốt nhất nên người dân thường lựa các cây to bằng cầm tay với chu vi khoảng 20-30cm và bán kính từ 3-5cm.

Cách xử lý vỏ cây ngô đồng?

Sau khi chặt cây, phải đập thân cây để lấy vỏ bằng một tảng đá to. Dùng một tay giữ một đầu và tay kia đưa lên cao và đập vào đá cho đến khi vỏ cây nứt ra. Làm như vậy hai đến ba lần, sau đó dùng chân giữ lại và tách vỏ theo chiều dọc từ trên xuống.

Thân cây như vậy sẽ cho ra 3 mảng vỏ. Sau khi lấy vỏ, thân cây phơi khô để làm củi đốt.

Để có được 1 bó vỏ cây ngô đồng, người dân phải đi bộ vào rừng mất nửa ngày để thu hoạch vừa vỏ vừa thân cây ngô đồng.

Sợi cây ngô đồng trước khi làm võng sẽ được ngâm ở con suối gần nhà, tiếp đến rửa sạch bằng xà phòng. Công đoạn quan trọng là phơi nắng cho khô, rồi bó lại thành từng bó nhỏ để sử dụng khô khi đan võng

Đan võng

Đan võng ngô đồng khá phức tạp hơn nhiều so với đan lưới, hay đan rổ hay rá. Biết cách đan rổ rá chưa chắc đã đan được võng ngô đồng. Đan võng là một việc rất khó, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì và quan trọng nhất là cái tình đi vào từng sợi ngô đồng.

1607vongngodong3.jpg
Nghề đan võng ngô đồng. (Nguồn: Báo Quảng Nam)

Những người thợ đan ngồi hàng giờ trong ngày, cẩn thận thắt lại thành từng đoạn và đan kết thành nhiều nút. Tuyệt đối không mắc lỗi dù nhỏ nhất khi đan võng, vì một khi đã mắc lỗi thì không bao giờ có thể loại bỏ được.

Muốn đan võng trước hết phải biết kỹ thuật khâu dây, người đan phải cẩn thận thắt nút rồi đan thành nhiều nút. Mỗi chiếc võng Ngô đồng là một kỳ công, tùy theo loại võng (4 dây) hay võng sáu người (6 dây). Việc đan một chiếc võng cần thời gian là hai tháng (60 ngày) liên tục.

Không giống như các loại võng khác, võng ngô đồng độ bền cực cao lên đến 15-20 năm và vẫn mang lại cảm giác rất êm ái khi nằm.

Khách hàng mua võng ngô đồng không chỉ vì nhu cầu sử dụng mà còn là thú vui, niềm đam mê tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa bản địa của vùng đất Cù Lao Chàm.

Để quảng bá giới thiệu sản phẩm võng cây ngô đồng, từ tháng 4/2023, Hợp tác xã Du lịch làng nghề truyền thống Cù Lao Chàm đã khai trương Điểm trải nghiệm đan võng ngô đồng tại chợ xã Tân Hiệp.

Điểm trải nghiệm là nơi giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước một sản phẩm mang tính truyền thống với một nghề đặc trưng, có giá trị sáng tạo, nghệ thuật của các nghệ nhân trên đảo. Đây là hoạt động được tổ chức nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, thúc đẩy, nâng tầm giá trị sản phẩm đặc hữu của địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục