Sáng nay (1/8), tại Hà Nội, lần đầu tiên Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội nghệ sỹ Múa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Múa minh họa, phụ họa trong các chương trình ca-múa-nhạc chuyên và không chuyên.
Đây không phải vấn đề mới mẻ, bởi thời gian qua báo chí cũng đã phản ánh nhiều về việc dàn dựng xô bồ của các loại hát múa trên sân khấu biểu diễn ở Việt Nam hiện nay.
Ở đó múa chỉ để lấp cho đầy sân khấu hoặc là để khoe thân, khoe sắc phục, thậm chí phản cảm với nội dung và giai điệu bài hát. Có những phần múa phụ họa đưa vào diễn cho bất cứ bài hát nào cũng được, chưa kể việc sao chép ý tưởng của nhau…
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau góp bàn giải pháp khắc phục thực trạng này.
Bối rối, xem hay nghe
Nghệ sỹ Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ, mấy năm gần đây ông thấy múa gần như chiếm lĩnh sân khấu. Bài hát nào cũng dùng múa minh họa, phụ họa cho các ca khúc. Thật đáng vui, đáng tự hào cho ngành múa.
Thế nhưng ông Hà cũng phải thừa nhận: “Có cái múa minh họa làm tôn nội dung tác phẩm hát lên rất nhiều, nhưng cũng có màn múa phụ họa làm hỏng tác phẩm. Vì múa một đường hát một nẻo chẳng ăn nhập gì với nhau, thậm chí hợp xướng cũng dùng múa phụ họa, nhiều khi không biết nên nghe hát hay xem múa nữa.”
Trong khi đó, thực tế hiện nay có những nhận thức chưa đúng giữa những tác phẩm cần minh họa hay phụ họa trên sân khấu ca nhạc đương đại ở Việt Nam với những dòng nhạc nhảy đại chúng ở các nước châu Âu, châu Mỹ Latinh.
Sự nhầm lẫn này dẫn đến quan điểm “hát mà không có múa phụ họa thì không thể gọi là ca khúc hiện đại.” Do đó, vũ công biểu diễn thường tìm cách bắt chước các phong cách của các dòng nhạc nhảy phương Tây.
Theo nghệ sỹ ưu tú Hoàng Hà, trước hết cần phân biệt ranh giới giữa “múa” và “nhảy,” tuy cùng là nghệ thuật nhưng lại có đặc thù riêng. Trong nghệ thuật múa vẫn có nhảy, còn nhảy (nói riêng) hiện nay được coi như một bộ môn của nghệ thuật thể thao (Dance Sport). Vấn đề này cũng cần tìm hiểu để không nhầm lẫn giữa minh họa (múa) với phụ họa (nhảy).
Múa minh họa là một bộ phận góp phần diễn tả nội dung, hình tượng nghệ thuật của ca khúc. Nhưng đáng tiếc, trong thực tế có nhiều trường hợp quá vụng về, tùy tiện trong dàn dựng. Chung quy cũng chỉ tại người chỉ đạo nghệ thuật đơn giản, người biên soạn thì coi múa minh họa là việc làm tay trái. Rõ ràng, đó là nguồn gốc của sự không nghiêm túc!
"Tô màu" sân khấu
Trước thực trạng này, hội viên Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, bà Thanh Hoa, đã chỉ ra bốn nguyên nhân dẫn đến những chương trình nghệ thuật cẩu thả.
Sáng tác của các nhạc sỹ không đủ sức hấp dẫn nên phải nhờ đến múa phụ trợ, hoặc ca sỹ hát chưa đủ sức cuốn hút nên phải mượn "màu mè" của múa để làm vui mắt khán giả; xuất phất từ thị hiếu của một bộ phận khán giả trẻ thích những gì sôi động, ưa nhảy múa hơn là lắng nghe những lời ca, tiếng hát sâu lắng.
Bên cạnh đó, việc các nhà quản lý, cơ quan chức năng cấp phép tổ chức biểu diễn kiểm duyệt qua loa, đại khái chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, chương trình trước khi đưa ra công chúng cũng như các phương tiện truyền thông dành nhiều thời lượng phát sóng, đưa tin cho vấn đề này cũng chính là công cụ trực tiếp cổ súy cho thể loại ca nhạc có nhảy, múa minh họa khiến hiện tượng trở nên phổ biến và khó kiểm soát hơn.
“Tôi mong muốn, các nghệ sỹ múa, các nhà biên đạo hãy bớt đi những màn múa phụ họa ít tính nghệ thuật, bớt đi sự phô trương hình thức tốn kém, vô bổ. Mong các biên đạo múa của chúng ra hãy cố gắng tìm tòi, sáng tạo ra những tác phẩm hay, các bạn diễn viên múa yêu nghề và tự hào về nghề hơn để tập luyện đều, biểu diễn tốt,” nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ.
Còn Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân, họa sỹ Lê Huy Quang thì trăn trở, trong những năm gần đây, hình như múa đã và đang bắt đầu thiếu lửa, ngọn lửa mà Thần Prômêtê đã mang đến cho loài người. Riêng với nghệ thuật múa, đó chính là ngọn lửa cháy mãi trong tim và tâm hồn người nghệ sỹ, mà thiếu nó thì mọi kỹ thuật chỉ còn là một thứ máy móc, xơ cứng và khô lạnh.
Để múa phụ họa, minh họa trên sân khấu Việt bớt đi những hình ảnh phản cảm, tiến sỹ, nghệ sỹ nhân dân Ứng Duy Thịnh đứng trên góc độ là chuyên gia từng chỉ đạo dàn dựng, xây dựng kịch bản cho các chương trình nghệ thuật lớn nhắc nhở, người biên đạo cần bình tĩnh, thận trọng trong điều tiết, xác định được giới hạn phần việc của mình ngay khi bắt tay vào dàn dựng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bản thân các diễn viên múa cũng cần trau dồi thêm ý thức, đạo đức nghề, để giữ hình ảnh đẹp, rèn luyện và nâng cao kỹ thuật cũng như chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong cách thể hiện các điệu múa.../.
Đây không phải vấn đề mới mẻ, bởi thời gian qua báo chí cũng đã phản ánh nhiều về việc dàn dựng xô bồ của các loại hát múa trên sân khấu biểu diễn ở Việt Nam hiện nay.
Ở đó múa chỉ để lấp cho đầy sân khấu hoặc là để khoe thân, khoe sắc phục, thậm chí phản cảm với nội dung và giai điệu bài hát. Có những phần múa phụ họa đưa vào diễn cho bất cứ bài hát nào cũng được, chưa kể việc sao chép ý tưởng của nhau…
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau góp bàn giải pháp khắc phục thực trạng này.
Bối rối, xem hay nghe
Nghệ sỹ Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ, mấy năm gần đây ông thấy múa gần như chiếm lĩnh sân khấu. Bài hát nào cũng dùng múa minh họa, phụ họa cho các ca khúc. Thật đáng vui, đáng tự hào cho ngành múa.
Thế nhưng ông Hà cũng phải thừa nhận: “Có cái múa minh họa làm tôn nội dung tác phẩm hát lên rất nhiều, nhưng cũng có màn múa phụ họa làm hỏng tác phẩm. Vì múa một đường hát một nẻo chẳng ăn nhập gì với nhau, thậm chí hợp xướng cũng dùng múa phụ họa, nhiều khi không biết nên nghe hát hay xem múa nữa.”
Trong khi đó, thực tế hiện nay có những nhận thức chưa đúng giữa những tác phẩm cần minh họa hay phụ họa trên sân khấu ca nhạc đương đại ở Việt Nam với những dòng nhạc nhảy đại chúng ở các nước châu Âu, châu Mỹ Latinh.
Sự nhầm lẫn này dẫn đến quan điểm “hát mà không có múa phụ họa thì không thể gọi là ca khúc hiện đại.” Do đó, vũ công biểu diễn thường tìm cách bắt chước các phong cách của các dòng nhạc nhảy phương Tây.
Theo nghệ sỹ ưu tú Hoàng Hà, trước hết cần phân biệt ranh giới giữa “múa” và “nhảy,” tuy cùng là nghệ thuật nhưng lại có đặc thù riêng. Trong nghệ thuật múa vẫn có nhảy, còn nhảy (nói riêng) hiện nay được coi như một bộ môn của nghệ thuật thể thao (Dance Sport). Vấn đề này cũng cần tìm hiểu để không nhầm lẫn giữa minh họa (múa) với phụ họa (nhảy).
Múa minh họa là một bộ phận góp phần diễn tả nội dung, hình tượng nghệ thuật của ca khúc. Nhưng đáng tiếc, trong thực tế có nhiều trường hợp quá vụng về, tùy tiện trong dàn dựng. Chung quy cũng chỉ tại người chỉ đạo nghệ thuật đơn giản, người biên soạn thì coi múa minh họa là việc làm tay trái. Rõ ràng, đó là nguồn gốc của sự không nghiêm túc!
"Tô màu" sân khấu
Trước thực trạng này, hội viên Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, bà Thanh Hoa, đã chỉ ra bốn nguyên nhân dẫn đến những chương trình nghệ thuật cẩu thả.
Sáng tác của các nhạc sỹ không đủ sức hấp dẫn nên phải nhờ đến múa phụ trợ, hoặc ca sỹ hát chưa đủ sức cuốn hút nên phải mượn "màu mè" của múa để làm vui mắt khán giả; xuất phất từ thị hiếu của một bộ phận khán giả trẻ thích những gì sôi động, ưa nhảy múa hơn là lắng nghe những lời ca, tiếng hát sâu lắng.
Bên cạnh đó, việc các nhà quản lý, cơ quan chức năng cấp phép tổ chức biểu diễn kiểm duyệt qua loa, đại khái chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, chương trình trước khi đưa ra công chúng cũng như các phương tiện truyền thông dành nhiều thời lượng phát sóng, đưa tin cho vấn đề này cũng chính là công cụ trực tiếp cổ súy cho thể loại ca nhạc có nhảy, múa minh họa khiến hiện tượng trở nên phổ biến và khó kiểm soát hơn.
“Tôi mong muốn, các nghệ sỹ múa, các nhà biên đạo hãy bớt đi những màn múa phụ họa ít tính nghệ thuật, bớt đi sự phô trương hình thức tốn kém, vô bổ. Mong các biên đạo múa của chúng ra hãy cố gắng tìm tòi, sáng tạo ra những tác phẩm hay, các bạn diễn viên múa yêu nghề và tự hào về nghề hơn để tập luyện đều, biểu diễn tốt,” nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ.
Còn Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân, họa sỹ Lê Huy Quang thì trăn trở, trong những năm gần đây, hình như múa đã và đang bắt đầu thiếu lửa, ngọn lửa mà Thần Prômêtê đã mang đến cho loài người. Riêng với nghệ thuật múa, đó chính là ngọn lửa cháy mãi trong tim và tâm hồn người nghệ sỹ, mà thiếu nó thì mọi kỹ thuật chỉ còn là một thứ máy móc, xơ cứng và khô lạnh.
Để múa phụ họa, minh họa trên sân khấu Việt bớt đi những hình ảnh phản cảm, tiến sỹ, nghệ sỹ nhân dân Ứng Duy Thịnh đứng trên góc độ là chuyên gia từng chỉ đạo dàn dựng, xây dựng kịch bản cho các chương trình nghệ thuật lớn nhắc nhở, người biên đạo cần bình tĩnh, thận trọng trong điều tiết, xác định được giới hạn phần việc của mình ngay khi bắt tay vào dàn dựng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bản thân các diễn viên múa cũng cần trau dồi thêm ý thức, đạo đức nghề, để giữ hình ảnh đẹp, rèn luyện và nâng cao kỹ thuật cũng như chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong cách thể hiện các điệu múa.../.
Xuân Mai (Vietnam+)