Trà Vinh trao chứng nhận quốc tế và ký liên kết chuỗi giá trị nghêu

Trà Vinh là vùng nghêu thứ 3 trên thế giới được chứng nhận ASC - một trong những chứng nhận bắt buộc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, là sự xác nhận cấp quốc tế với thủy sản được nuôi có trách nhiệm.
Trà Vinh trao chứng nhận quốc tế và ký liên kết chuỗi giá trị nghêu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 15/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tổ chức trao chứng nhận tiêu chuẩn ASC (xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản) và ký kết liên kết chuỗi giá trị nghêu tại tỉnh Trà Vinh với 3 hợp tác xã nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích sản xuất 433ha.

Cụ thể, 3 hợp tác xã gồm: Hợp tác xã Thành Công (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) có diện tích sản xuất 200ha; Hợp tác xã nghêu-sò Tiến Thành (xã Long Hòa, huyện Châu Thành) có diện tích sản xuất 193ha và Hợp tác xã Nông nghiệp Long Thành (xã Long Hòa, huyện Châu Thành) có diện tích sản xuất 40ha.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Văn Dũng cho biết chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là một trong những chứng nhận bắt buộc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.

[Nghêu biển tại Trà Vinh nhận lợi nhuận cao nhờ được mùa, được giá]

Sản phẩm đạt tiêu chuẩn ASC được người tiêu dùng tại nhiều thị trường trên thế giới, nhất là thị trường châu Âu ưa chuộng.

Trà Vinh là vùng nghêu thứ 3 trên thế giới được chứng nhận ASC. Với chứng nhận này, sản phẩm nghêu Trà Vinh có cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới, khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị nghêu Trà Vinh trên thị trường, từ đó thúc đẩy nghề nuôi nghêu địa phương phát triển bền vững.

Trà Vinh có 65km chiều dài bờ biển - điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi nghêu ở các bãi bồi ven biển và vùng cửa sông lớn. Tuy nhiên, trong những năm qua, nghề nghêu của tỉnh luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức do sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có nhà máy chế biến nghêu, chưa liên kết thị trường tiêu thụ mà chủ yếu tiêu thụ qua thương lái để bán cho các nhà máy chế biến ngoài tỉnh, từ đó dẫn đến giá cả không ổn định, thiếu tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện toàn tỉnh có 7 hợp tác xã nuôi nghêu với tổng diện tích khoảng 1.000ha ở vùng bãi bồi ven biển của các huyện Châu Thành, Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải; sản lượng thu hoạch hằng năm từ 4.000-6.000 tấn.

Theo kế hoạch Chiến lược phát triển thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh phê duyệt, địa phương xác định đây là một trong những đối tượng nuôi chủ lực mang lại giá trị kinh tế khá lớn cho người dân ở vùng ven biển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đặc biệt là dân nghèo thiếu đất sản xuất. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích nuôi nghêu toàn tỉnh đạt 3.300ha.

Dịp này, đại diện 3 doanh nghiệp (gồm Công ty cổ phần thủy sản Bến Tre, Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy sản Lenger Việt Nam (Nam Định), Công ty cổ phần thủy sản Hưng Trường Phát (Bến Tre)) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện liên kết chuỗi giá trị nghêu với 3 hợp tác xã trên và Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, ICAFIS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục