Trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lãi suất cao

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay do chênh lệch giữa lãi suất phát hành và lãi suất tiền gửi tại ngân hàng giữ ở mức cao.
Trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lãi suất cao ảnh 1(Ảnh: Vietnam+)

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp diễn ra rất sôi động trong quý 2 với 164.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành, cao gấp 3,7 lần lượng phát hành quý 1, tăng gần 29% so với cùng kỳ 2020, trong đó 89% là trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Theo bà Hoàng Việt Phương Giám đốc Trung Tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, thị trường trái phiếu doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay là do chênh lệch giữa lãi suất phát hành và lãi suất tiền gửi tại ngân hàng nghiệp tiếp tục giữ ở mức cao.

Lãi suất huy động bình quân là 9,95%

Theo số liệu từ SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong sáu tháng của năm đạt 208.900 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2020. Quán quân phát hành là nhóm doanh nghiệp bất động sản (92.300 tỷ đồng, chiếm 44,2%). Đứng sau là nhóm ngân hàng (68.200 tỷ đồng, chiếm 32,7%), nhóm năng lượng và khoáng sản (14.800 tỷ đồng, chiếm 7,1%)…

[Tránh hiểu lầm khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng]

Bên cạnh đó, lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu doanh nghiệp (loại trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý 2 là 9,95% (giảm 33 điểm phần trăm so với quý 1). Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang nằm trong xu hướng giảm (từ quý/2020 đến nay) nhưng rất nhỏ so với mức giảm sâu của lãi suất tiền gửi, nhờ đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao.

Báo cáo của SSI chỉ ra trong sáu tháng, thị trường sơ cấp đón nhận 318 đợt phát hành trái phiếu của 169 doanh nghiệp, quy mô bình quân đạt 657 tỷ đồng/đợt phát hành và cao hơn nhiều so với mức 207 tỷ đồng/đợt của năm 2020.

Bà Phương cho biết Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021-các đợt phát hành riêng lẻ không bắt buộc phải chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư như trước đây. Vì vậy, hiện tượng các tổ chức phát hành chia nhỏ thành 20-60 đợt phát hành như năm 2020 đã không còn phổ biến.

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong sáu tháng:

Trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lãi suất cao ảnh 2(Nguồn: SSI)

Trên thị trường, doanh nghiệp niêm yết phát hành trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn, cụ thể có 55 doanh nghiệp niêm yết phát hành 107.000 tỷ đồng và chiếm 51,2% tổng lượng phát. Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tỷ trọng trái phiếu các doanh nghiệp niêm yết phát hành trái phiếu là 46% (trong khi năm 2020 là 21,5%).

“Điều này đồng nghĩa với thông tin vể các tổ chức phát hành công khai, minh bạch hơn giai đoạn trước,” bà Phương nhấn mạnh.

Ngân hàng và công ty chứng khoán đầu tư nhiều nhất

Theo bà Phương, các nhà đầu tư cá nhân đã giảm mua trong sáu tháng qua, thay vào đó ngân hàng và công ty chứng khoán trở thành nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất.

Cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân mua gần 11.000 tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, tập trung vào trái phiếu bất động sản, ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng. Con số này tương ứng 47% lượng các nhà đầu tư cá nhân đã mua trong cùng kỳ 2020 và không phải bất ngờ khi quy định nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có hiệu lực.

Hiện các ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ khoảng 55,6% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Trong số đó, các ngân hàng thương mại mua vào 44.400 tỷ đồng, chiếm 21,3% và các công ty chứng khoán mua 71.700 tỷ đồng, chiếm 34,4%.

Theo phân tích của SSI, tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tính đến 31/12/2020 là khoảng 93.000 tỷ đồng, do đó nhiều khả năng công ty chứng khoán chỉ đứng tên mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp và nắm giữ ngắn hạn, sau đó nhanh chóng phân phối lại cho các nhà đầu tư khác. Ngoài ra, các tổ chức trong nước khác (các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư chứng khoán) mua 50.800 tỷ đồng và chiếm 24,3% bao gồm các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư chứng khoán.

Tài sản đảm bảo phổ biến là cổ phiếu

Về tổ chức phát hành, trong sáu tháng-15 ngân hàng thương mại phát hành 68.200 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn bình quân 3,37 năm, lãi suất bình quân 4,3%/năm và gần như toàn bộ số trái phiếu này được mua bởi các ngân hàng. Có được điều này là nhờ quy định Thông tư 01/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại có thể trực tiếp mua chéo trái phiếu của nhau trên sơ cấp (hiệu lực từ ngày 17/5/2021).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 92,300 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm và kỳ hạn bình quân là 3,8 năm. Trong đó, các ngân hàng và công ty chứng khoán mua 37.300 tỷ đồng trái phiếu bất động sản (chiếm 40,4%).

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành phân theo tài sản đảm bảo:

Trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lãi suất cao ảnh 3(Nguồn: SSI)

Theo bà Phương, cố phiếu được dùng khá nhiều để làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu (loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết là không có tài sản đảm bảo), cụ thể 18,6% được bảo đảm bằng bất động sản, 11% bằng tài sản khác và 33% bằng một phần tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu, 9,3% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 28% là không có tài sản đảm bảo.

Như vậy, có đến 29.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Nếu tính cả các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60.000 tỷ đồng và chiếm 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành sáu tháng.

“Chúng tôi lưu ý rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng,” bà Phương nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục