Thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch nhiều biến động. Dòng tiền cải thiện tạo hậu thuẫn cho VN-Index đi lên và có thời điểm chạm mức 1.297 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán đã xuất hiện trong các phiên cuối tuần, khiến chỉ số đánh mất những thành quả trước đó.
Chốt tuần, VN-Index giảm 2,29 điểm (-0,18%) và về mốc 1.280,75 điểm. Ngược lại, HNX-Index đóng cửa tăng 2,71 điểm, lên tại 242,41 điểm (+1,12%).
Khối ngoại chưa dừng bán ròng
Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), cho biết độ rộng thị trường phiên cuối tuần nghiêng về bên bán với 198 cổ phiếu giảm giá, 117 cổ phiếu tăng giá, 64 cổ phiếu tham chiếu tại sàn HoSE. Bên cạnh đó, HNX giao dịch với 95 cổ phiếu giảm giá, 60 cổ phiếu tăng giá và 63 cổ phiếu tham chiếu.
Theo đó, thanh khoản trên cả hai sàn tuần này có sự cải thiện so với tuần trước đó. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh tăng gần 33% tại HOSE và thêm 32% tại HNX.
Chuyên gia IMF: Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh nhờ những hành động quyết liệt
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 đang trên đà hồi phục nhanh chóng, với mức tăng trưởng tăng lên 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài chưa dừng bán ra. Tuần này, khối ngoại bán ròng 4.502 tỷ đồng tại sàn HoSE và tiếp tục tập trung vào mã FPT (-1.732 tỷ đồng), mã MWG (-644 tỷ đồng), VHM (-521 tỷ đồng) và MSN (-508 tỷ đồng)… Ngược lại, họ mua ròng các mã HDB (+473 tỷ đồng), TNH (+163 tỷ đồng)... Trên sàn Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4,68 tỷ đồng, tại các mã IDC (-37 tỷ đồng), PVI (-31 tỷ đồng) và NTP (-10 tỷ đồng), họ mua ròng nổi bật với PVS (+27 tỷ đồng), LAS (+12 tỷ đồng), VGS (+9 tỷ đồng)…
Hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô
Tuần qua, ông Nhật chỉ ra tâm điểm hỗ trợ thị trường với thông tin Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đánh giá kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 đang trên đà hồi phục nhanh chóng và dự báo mức tăng trưởng tăng lên 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo IMF, Việt Nam tiếp tục hội nhập và nền kinh tế đã thực sự phục hồi với mức tăng trưởng tăng lên mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia IMF kỳ vọng kinh tế triển vọng về cuối năm song tốc độ tăng trưởng của cả năm sẽ chậm lại phần nào, do nền kinh tế đã phục hồi từ cuối năm 2023 cộng thêm đà tăng tốc mạnh mẽ trong nửa đầu năm. Bên cạnh đó, IMF dự báo tỷ lệ lạm phát có khả năng sẽ duy trì ở mức gần với mục tiêu 4,5%.
Về kỹ thuật, ông Nhật cho hay VN-Index vừa có tuần giao dịch biến động trong biên độ hẹp, chịu áp lực điều chỉnh nhẹ khi gặp vùng kháng cự 1.300 điểm, tương ứng vùng đỉnh giá tháng 6/2024 và tháng 8/2022. Diễn biến thị trường tuần qua thể hiện phần nào tính chất xoay vòng ngắn hạn của dòng tiền thông qua việc luân phiên phục hồi trên từng nhóm mã.
“VN-Index vẫn chưa thể vượt lên kháng cự quanh 1.285 điểm, đây là vùng giá cao nhất của các phiên giảm mạnh, thanh khoản tăng đột biến trong tháng 4-5-06/2024,” ông Nhật chia sẻ.
Xu hướng ngắn hạn, ông Nhật cho rằng VN-Index vẫn tích lũy trong vùng 1.250 điểm-1.300 điểm. Bởi, sau khi gặp vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm, chỉ số đang chịu áp lực điều chỉnh phiên thứ ba liên tiếp, kiểm tra lại vùng giá cân bằng của kênh tích lũy này quanh 1.275 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên gần nhất. Hiện áp lực điều chỉnh đang khá bình thường (mặt bằng giá giảm, thanh khoản suy giảm) sau khi VN-Index đã có 7 phiên tăng điểm liên tục. Trường hợp tích cực, nếu VN-Index phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.270-1.275 điểm thì khả năng quay trở lại kiểm tra vùng kháng cự 1.300 điểm vẫn có thể xảy ra.
Xu hướng trung hạn, ông Nhận đánh giá VN-Index vẫn tích lũy với biên độ hẹp dần trong vùng 1.245-1.255 điểm đến 1.300 điểm, nửa trên của kênh 1.180-1.200 điểm đến 1.300 điểm và mở rộng lên 1.320 điểm.
“VN-Index cũng đang phục hồi tốt khi kiểm tra lại cạnh dưới đường xu hướng trung hạn nối các vùng giá thấp từ tháng 11/2023 đến nay và đang nỗ lực phục hồi kiểm tra lại vùng 1.300 điểm, tương ứng cạnh trên đường xu hướng nối vùng giá cao nhất tháng 9/2023, tháng 3-6/2024. Trong đó, VN-Index mốc 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018 và 1.300 điểm-1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6-8/2022,” ông Nhật chỉ ra.
Theo ông Nhật, thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp khi nhà đầu tư đang chờ các thông tin về kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp. Trên bình diện đó, thị trường kỳ vọng sẽ diễn biến tích lũy tích cực (nếu không có các yếu tố tiêu cực bất định mới xuất hiện) và VN-Index khả năng sẽ hướng đến vùng kháng cự quanh 1.300 điểm khi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát, tỷ giá đồng thời khối ngoại bán ròng hạ nhiệt.
Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc VN Index đóng cửa tại phiên giao dịch cuối tuần ở mốc mức 1.280,75 điểm, thể hiện sự lưỡng lự của thị trường quanh khu vực đỉnh cũ 1280-1290. Ở khung đồ thị ngày, các chỉ báo chưa cho dấu hiệu hình thành đỉnh đầu tiên đồng thời những rủi ro tiềm tàng trong ngắn hạn đã giảm bớt. Mặc dù, thị trường đang tương đối thận trọng trong thời điểm này nhưng áp lực bán không quá lớn, nên VCBS kỳ vọng VN-Index sẽ sớm lấy lại động lực hướng lên mốc 1.300 điểm.
Về giao dịch, nhóm phân tích của VCBS đưa ra khuyến nghị, các nhà đầu tư nên thận trọng bằng cách loại bỏ những mã yếu ra khỏi danh mục đồng thời gia tăng tỉ trọng của những cổ phiếu đang có xung lực ổn định và duy trì được xu hướng đi lên tích cực./.