Bắt đầu từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai trên cả nước, bắt đầu từ lớp 1. Chương trình mới đòi hỏi sách giáo khoa mới. Bởi vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thẩm định những bộ sách giáo khoa lớp 1.
Tuy nhiên, ngay từ vòng thẩm định đầu tiên đã xảy ra rất nhiều tranh cãi khi bộ sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại bị loại. Vậy, đâu là nguyên nhân và làm thế nào để việc thẩm định sách thực sự công khai, minh bạch, công bằng, giảm thiểu những tranh luận, nhất là khi đây mới chỉ là bộ sách đầu tiên và tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ còn phải thẩm định hàng chục bộ sách của 12 khối lớp.
Đó là nội dung được đề cập trong loạt bài: “Thẩm định sách giáo khoa: Cần công khai, minh bạch thông tin.”
Bài 1: Tranh luận về thẩm định sách giáo khoa công nghệ lớp 1
Trung tâm Công nghệ giáo dục, thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa có đơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc sách công nghệ giáo dục bị loại. Đây cũng là động thái mới nhất xung quanh việc sách công nghệ giáo dục bị hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo loại ngay từ vòng một.
Sách công nghệ giáo dục là công trình 50 năm nghiên cứu, thực nghiệm, chỉnh sửa của giáo sư Hồ Ngọc Đại, người suốt đời đau đáu với việc dạy học sinh lớp 1 và cũng là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về tâm lý giáo dục tiểu học.
Bộ sách đang được triển khai tại 48 tỉnh thành trên cả nước với trên 930.000 học sinh theo học, chiếm trên 50% tổng số học sinh lớp 1, bất chấp quy định một chương trình-một sách giáo khoa thống nhất của Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi năm 2009) vì những hiệu quả giáo dục tích cực mà bộ sách mang đến.
[Kiến nghị Thủ tướng việc sách công nghệ giáo dục bị loại khi thẩm định]
Thêm vào đó, trong các năm 2017, 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần thành lập hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định bộ sách và kết luận sách đạt yêu cầu để dạy cho học sinh lớp 1…
Loại vì vừa thiếu, vừa thừa, vừa… quá khó?
Chia sẻ về lý do sách công nghệ giáo dục bị loại, giáo sư Trần Đình Sử, thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp một cho biết, hội đồng thẩm định sách dựa trên 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí, 4 chỉ báo được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong Thông tư 33 về thẩm định sách giáo khoa, Thông tư 32 về ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới.
“So với chương trình đó, những sách nào không đạt yêu cầu về nội dung, phương pháp thì chúng tôi đánh giá là chưa đạt,” giáo sư Trần Đình Sử nói.
Phân tích kỹ hơn, giáo sư Trần Đình Sử cho biết, chương trình mới yêu cầu dạy học sinh lớp một theo bốn tiêu chí đọc, viết, nghe, nói. Viết được hệ thống chữ tiếng việt, đọc được các vần cơ bản của tiếng Việt, phân biệt được các trường hợp chính tả, phải biết giao tiếp, chào hỏi, biết nghe, đọc nói, viết các câu đơn giản, biết kể chuyện.
Trong khi đó, sách giáo khoa của giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy âm, chữ, quy tắc chính tả. Cách dạy của giáo sư Hồ Ngọc Đại có những ưu điểm, nhưng lại không đáp ứng được các yêu cầu khác của chương trình mới. Có mặt, sách này lại vượt quá yêu cầu. Ví dụ, sách dạy cho học sinh lớp 1 không cần kiến thức về ngữ âm tiếng Việt, cấu trúc ngữ âm của từ tiếng Việt, cũng không cần học các khái niệm âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi. Chương trình mới chỉ yêu cầu học sinh lớp 1 phân biệt chính tả c-k, g-gh, nhưng sách giáo khoa của giáo sư Hồ Ngọc Đại phân biệt chính tả cả về ngữ âm, ngữ nghĩa, vượt lên ở lớp 2, 3, 4. Những điều đó có tính hàn lâm, quá tải.
[99% trường ở Nghệ An dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 công nghệ ]
Chương trình quá tải cũng là nhận định của giáo sư Mai Ngọc Chừ, thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Ông Chừ nêu ví dụ, trong các trang sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại đều có các thành ngữ, tục ngữ như “thế chẻ tre,” “bé xé ra to,” “ “củ rủ cù rù,” “vắt chanh bỏ vỏ”... Sách còn có các ngữ liệu là bài thơ “Nam quốc sơn hà,” “Bình Ngô đại cáo”...
Ông Chừ cho rằng những nội dung trên là quá khó với học sinh lớp 1. “Cái quan trọng nhất chúng tôi căn cứ vào chương trình mới, trong đó có giảm tải nội dung khó, đó là nguyên tắc. Chương trình mới có tính mở để giáo viên sáng tạo trong khi với sách công nghệ thì thầy cô làm việc như một cái máy. Chúng tôi không đồng ý thông qua bộ sách vì nó không bám sát chương trình mới,” giáo sư Mai Ngọc Chừ phân tích.
Cũng theo giáo sư Mai Ngọc Chừ, trong hội đồng có 5 giáo viên dạy lớp 1, một hiệu trưởng trường tiểu học và những người này đều đánh giá sách công nghệ giáo dục quá khó. Để dạy được, giáo viên phải mất nhiều thời gian đầu tư công sức nghiên cứu thêm.
Cứng nhắc và thiếu khách quan?
Việc sách công nghệ bị loại lập tức thu hút sư quan tâm của dư luận, khi đây là bộ sách có lịch sử đến 40 năm và hiện được giảng dạy ở 48 tỉnh thành trong cả nước trên tinh thần tự nguyện lựa chọn. Bộ sách cũng nhận được sự đánh giá tốt từ phía các chuyên gia cũng như các học sinh, giáo viên.
Theo phó giáo sư Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), những kết luận của hội đồng thẩm định là tư biện, kinh nghiệm và xa rời thực tiễn.
Ông Hào cho biết, việc hội đồng thẩm định đánh giá sách công nghệ giáo dục không đảm bảo dạy học sinh lớp 1 nghe, nói, đọc, viết là không chuẩn xác. “Học công nghệ giáo dục, học sinh học đến đâu chắc đến đó, không tái mù chữ, học sinh đọc thông, viết thạo, thậm chí còn vượt cả yêu cầu của chương trình.
“Tôi lấy ví dụ chỉ ở một điểm là chương trình yêu cầu học sinh lớp 1 học xong thì có thể viết đọc, chép 30 chữ trong 15 phút. Nhưng học công nghệ giáo dục, học sinh lớp 1 có thể nghe đọc viết từ 50 đến 100 chữ trong 15 phút, không tính nhìn chép,” phó giáo sư Nguyễn Kế Hào nói.
[Cần Thơ: Nhiều phụ huynh hài lòng với Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục]
Về việc sách công nghệ giáo dục có nhiều nội dung được đánh giá là khó, như việc dạy các thành ngữ, tục ngữ, thơ “Nam quốc sơn hà,” “Bình Ngô đại cáo,” ông Hào cho rằng do những người thẩm định sách không hiểu được dụng ý của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Theo ông Hào, các ngữ liệu này nhằm giúp học sinh thấm được lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt, thấm được tinh thần dân tộc. “Trẻ có thể chưa hiểu nhưng tinh thần dân tộc sẽ ngấm vào các em một cách tự nhiên, như việc trẻ nghe mẹ hát ru, hay người Việt từ trẻ đến già đều thuộc và hát quốc ca, dù có thể chưa hiểu hết ý nghĩa lời bài hát,” ông Hào phân tích.
Phản biện ý kiến của hội đồng về việc sách dạy ngữ âm cho học sinh là khó và hàn lâm, ông Hào cho rằng những ý kiến của hội đồng là xa rời thực tế. Đưa dẫn chứng cụ thể, ông Hào cho hay sách công nghệ giáo dục được đưa trở lại trường học năm 2006 bắt đầu ở hai tỉnh khó khăn, vùng biên cương của cả nước là Lào Cai và Kiên Giang. Sau đó, sách tiếp tục được nhân rộng ở các tỉnh khó khăn, dân tộc thiểu số, rồi mới đến vùng thuận lợi, và hiện đang dạy ở 48 tỉnh thành.
“Còn với giáo viên, họ kêu khó là đúng, vì bất kỳ nội dung, phương pháp mới nào cũng yêu cầu giáo viên phải thay đổi, phải học hỏi. Nhưng không lẽ vì giáo viên thấy mới, kêu khó mà không triển khai dù tốt cho học sinh? Sắp tới triển khai chương trình mới, giáo viên cũng sẽ phải thay đổi, họ cũng sẽ kêu khó thì liệu có vì thế mà thôi không đổi mới?”, phó giáo sư Nguyễn Kế Hào phân tích.
Là người gắn bó cả đời với giáo dục tiểu học, từng chứng kiến những thăng trầm của sách công nghệ giáo dục, những lần thất bại của cải cách giáo dục, từng từ chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học để phản đối đổi mới chương trình năm 2000, phó giáo sư Nguyễn Kế Hào nói ông cảm thấy rất đáng tiếc khi sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại không vượt qua vòng 1. Đánh giá chương trình giáo dục phổ thông mới là một chương trình mở với rất nhiều điểm tương đồng với tư tưởng giáo dục của Hồ Ngọc Đại như hướng đến hình thành phẩm chất, năng lực học sinh, coi trọng tính cá nhân của người học, đánh giá học sinh dựa trên sự tiến bộ của chính học sinh đó thay vì giáo dục “đồng phục” với tiêu chuẩn thống nhất hiện hành, ông Hào cho biết ông khá bất ngờ khi bộ sách bị loại.
“Một chương trình mở phải có nhiều món cho học sinh lựa chọn, nhưng hội đồng thẩm định lại yêu cầu sách giáo khoa ‘phải đủ, không thừa, không thiếu’ thì đó là một chương trình đóng. Nói nhiều sách giáo khoa nhưng thực ra chỉ có một vì cùng một khuôn. Đó là đi ngược lại tinh thần đổi mới,” ông Hào nhận định.
Không sửa chỉ để qua thẩm định
Theo ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, hội đồng thẩm định đã làm việc khách quan và kết luận bộ sách công nghệ giáo dục không đạt. Hội đồng cũng chỉ ra trên 300 điểm cần sửa chữa. “Tác giả có sách không đạt thẩm định vẫn có cơ hội đề nghị hội đồng thẩm định lại sau khi sửa sách theo khuyến nghị của hội đồng,” ông Tài nói.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định ông sẽ không sửa chỉ để đạt thẩm định.
“Tôi không bất ngờ vì sách công nghệ giáo dục bị loại. Tôi biết chuyện đó sẽ xảy ra. Khi hội đồng hỏi tôi có ý kiến gì không, tôi bảo, tôi không có ý kiến gì. Công trình đó tôi làm cả một đời người, tôi điều chỉnh mãi rồi. Điều chỉnh phải có tư tưởng chỉ đạo, kỹ thuật thực thi, không thể nghe tào lao. Tôi sẽ không chỉnh gì cả. Sách của tôi tôi viết mấy chục năm, tôi đã tính hết. Cái gì nghe được thì tôi nghe. Tôi đã điều chỉnh rồi chứ không phải không. Đó là bản in cuối cùng của tôi,” giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định.
[Bộ Giáo dục lên tiếng về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục]
Cũng theo giáo sư Hồ Ngọc Đại, học công nghệ giáo dục, học sinh học đến đâu chắc đến đó. Học hết lớp 1 biết đọc biết viết, không bao giờ tái mù. Học xong lớp 2 biết viết thành câu, học xong lớp 3 không bao giờ viết sai câu.
Với ưu việt đó, sách công nghệ giáo dục có hai lần ‘cứu nguy’ cho Bộ Giáo dục. Lần thứ nhất năm 1985, khi lần đầu tiên thực hiện cải cách giáo học, có hơn 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban. Lần thứ hai năm 2006, khi học sinh học xong lại quên, không biết đọc biết viết. Ở cả hai lần, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đưa sách công nghệ giáo dục trở lại các nhà trường và giúp học sinh đọc thông, viết thạo.
“Cái gì trẻ con làm được, vui vẻ làm thì sao lại bảo quá sức? Quá sức là do ấn tượng về nghiệp vụ sư phạm quá thấp của anh. Tư duy kinh nghiệm là ở gia đình, ở trường phải là tư duy khoa học. Tư duy khoa học thì trẻ con và người lớn đều như nhau,” giáo sư Hồ Ngọc Đại nói.
Trước việc sách bị loại và theo đó sẽ không được tiếp tục sử dụng trong các trường học từ năm học tới, giáo sư Hồ Ngọc Đại cho hay ông đã cho Bộ Giáo dục và Đào tạo bản quyền sách nên việc xử lý là việc của nhà nước, chính quyền, cơ quan, không phải việc của cá nhân mình.
“Vấn đề đổi mới giáo dục, sách giáo khoa hiện nay tôi coi là vấn đề chính trị, không phải đơn thuần là vấn đề của Bộ, của mười mấy người biểu quyết. Việc của tôi xong rồi. Đó là việc của nhà nước, Đảng, Chính phủ,” ông Đại chia sẻ.
Quen với những thăng trầm của bộ sách, giáo sư Hồ Ngọc Đại bảo ông vẫn tự tin việc sách công nghệ sẽ được dùng trong các nhà trường. “Lênin nói không có tình huống nào không có lối thoát. Không có gì mà cuộc đời không giải quyết được hết, vì cuộc sống vẫn tồn tại, chân lý vẫn tồn tại thì tự nhiên sẽ có mở đường cho nó. Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là đổi mới về tận nguyên lý triết học giáo dục, dạy trẻ con để làm gì, mục đích gì, chứ không phải chỉ sách giáo khoa. Tôi vẫn hy vọng đổi mới nhưng là đổi mới khoa học, đàng hoàng, chứ không phải vì dự án,” giáo sư Hồ Ngọc Đại nói./.
Bài 2: Thẩm định sách giáo khoa: Phải căn cứ vào chuẩn chương trình mới