Tuy nhiên tình hình sẽ không đến mức nghiêm trọng như một số đồn đoán rằng một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra.
Kể từ khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, trao đổi thương mại song phương đã tăng hơn 22.750% và hiện có trị giá khoảng 500 tỷ USD/năm. Nhưng vấn đề cán cân thương mại vẫn luôn làm mối quan hệ hai bên trở nên căng thẳng.
Daniel Ikenson, chuyên gia thương mại thuộc Viện CATO nói: "Nếu dùng phép ẩn dụ trong thể thao - xuất khẩu là đội mình được điểm, nhập khẩu là đội khác được điểm, còn cán cân thương mại là tỷ số, thì rõ ràng với mức thâm hụt thương mại lớn, Mỹ đang thua, vì đội bạn gian lận."
Theo chuyên gia này, Washington cho rằng Bắc Kinh trợ giúp không công bằng cho các công ty quốc doanh và hạ đồng NDT thấp hơn giá trị thật để làm lợi cho lĩnh vực xuất khẩu.
Tuy nhiên, danh sách những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không nhiều hơn so với các đối tác thương mại khác. Tính đến nay, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có 19 tranh chấp thương mại phải nhờ đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phân xử, ít hơn so với 20 tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Canada.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá rằng tác động của các tranh chấp này đã được giới hạn và việc xảy ra tranh cãi trong quá trình trao đổi thương mại cũng là chuyện "tự nhiên."
Hơn nữa, khi xảy ra tranh chấp, hai bên đều đưa lên WTO, nhằm tránh việc trả đũa đơn phương. Động thái này cũng là một dấu hiệu tích cực trong mối quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý rằng trong bối cảnh trước thềm cuộc bầu cử tổng thống như hiện nay, vấn đề trao đổi thương mại với Trung Quốc vẫn bị các chính trị gia tận dụng để gây sức ép với chính quyền Tổng thống Barack Obama./.