Tranh luận trước bầu cử Anh: Thủ lĩnh LP có ưu thế

Vòng thứ nhất cuộc tranh luận trên truyền hình trước thềm tổng tuyển cử ở Anh mang lại ưu thế cho thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do (LD).
Vòng thứ nhất cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối 15/4 với sự tham gia của thủ lĩnh các chính đảng hàng đầu ở Anh đã mang lại ưu thế cho ông Nick Clegg, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do (LD), trước thềm cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 6/5 tới tại xứ sở sương mù.

Ông Nick Clegg đã tuyên bố sẽ mang lại một sự thay đổi tươi mới và trung thực cho nước Anh.

Cuộc tranh luận giữa đương kim Thủ tướng Anh Gordon Brown, Chủ tịch Công đảng cầm quyền, với thủ lĩnh hai đảng đối lập là ông David Cameron, đảng Bảo thủ và ông Nick Clegg, đảng Dân chủ Tự do, diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Anh và được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình ITV này tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong nước hiện nay như suy thoái kinh tế, tình trạng phạm tội, nhập cư trái phép, chất lượng giáo dục sa sút, bê bối chính trị.

Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến nóng tiến hành ngay sau buổi tranh luận cho thấy ông Clegg nhìn chung được đánh giá cao hơn hẳn hai đối thủ.

Chẳng hạn theo thăm dò của YouGov, ông này giành được sự ủng hộ của 61% số khán giả, trong khi các ông Cameron và Brown chỉ giành được các mức tương ứng 22% và 17%.

Cách trình bày luận điểm một cách thoải mái và tự tin của ông Clegg hứa hẹn sẽ tạo ra một biến chuyển lớn trong bức tranh chính trị Anh trước ngày tổng tuyển cử.

Từ trước tới nay, nền chính trị Anh vẫn vận hành theo mô hình lưỡng đảng: Công đảng và đảng Bảo thủ thay nhau nắm quyền. Nay với sự vươn lên của LD, nhiều người hy vọng có thể nước Anh sắp bước vào một nền chính trị tam đảng, cho dù mọi dự đoán hiện vẫn còn quá sớm.

Phát biểu trước khoảng 12 triệu người dân Anh theo dõi cuộc tranh luận, ông Clegg nói: “Đừng để họ nói với các bạn rằng sự lựa chọn duy nhất là một trong hai chính đảng già cỗi, thay phiên nhau điều hành chính phủ trong 65 năm qua, giờ đây lại đưa ra những lời hứa cũ và thất hứa như cũ.”

Trong khi đó, Chủ tịch Công đảng cầm quyền, đương kim Thủ tướng Anh Gordon Brown, dù không giành được sự ủng hộ cao nhất của những người theo dõi, song cũng khẳng định được vị trí thứ hai về tài hùng biện.

Ông Brown tìm cách công kích đảng Bảo thủ về các chính sách kinh tế, bao gồm đề nghị cắt giảm 6 tỷ bảng chi tiêu ngân sách trong năm nay.

Theo ông, sự hồi phục của nền kinh tế Anh hiện nay vẫn cần các nguồn tài chính kích thích nhằm tránh rơi vào trường hợp như những năm 1930 hay 1980, khi kinh tế Anh thoát khỏi suy thoái, nhưng thất nghiệp lại tăng mạnh.

Về phần mình, thủ lĩnh đảng Bảo thủ David Cameron đã không thể duy trì vị trí dẫn đầu liên tục của đảng này trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Mặc dù không phạm một sai lầm chết người nào trong suốt 90 phút tranh luận, song dường như ông Cameron đã mắc lỗi khi ám chỉ rằng Trung Quốc cũng là một mối đe dọa hạt nhân với Anh giống như Iran.

Chính vì vậy, là người bước vào cuộc tranh luận với nhiều ưu thế nhất, ông Cameron được cho là bị mất điểm nhiều nhất khi rời khỏi khán phòng ở thành phố Manchester.

Kinh tế đang là chủ đề nóng hổi nhất khiến cử tri Anh quan tâm, trong bối cảnh nước này đang chật vật thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, các vụ bê bối chi tiêu của các nghị sỹ Anh cũng khiến người dân cảm thấy cần phải có sự cải tổ trong Quốc hội.

Theo kế hoạch sẽ còn hai vòng tranh luận trực tiếp nữa giữa thủ lĩnh các đảng, diễn ra vào các ngày 22 và 29/4 tới, ngay trước thềm tổng tuyển cử./.

(TTXVN/vietnam+)

Tin cùng chuyên mục