Trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế bền vững
“Diễn đàn Kinh tế Việt-Trung” và “Đối thoại chính sách kinh tế giữa các nền kinh tế chuyển đổi châu Á” đã được tổ chức sáng 7/6, tại Hà Nội.
Sáng 7/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Trung Quốc” lần thứ 8 và “Đối thoại chính sách kinh tế giữa các nền kinh tế chuyển đổi châu Á,” với sự tham gia của đại diện một số cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Theo tiến Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2010-2020 của Việt Nam đã xác định Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển mô hình này vẫn còn không ít những vấn đề cần thảo luận, nghiên cứu để cụ thể hóa. Theo tiến sĩ Ngoạn, trước hết, chúng ta cần xác định mô hình tăng trưởng và cấu trúc nền kinh tế mà Việt Nam lựa chọn; đặc biệt là cụ thể hóa đường lối này bắt đầu từ đâu và đâu sẽ là khâu đột phá. Đối với Việt Nam, hiện nền kinh tế đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, duy trì mục tiêu tăng trưởng nhanh, kết hợp ổn định, an sinh xã hội và hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nền kinh tế đang bộc lộ rõ những điểm yếu, hạn chế như tăng trưởng theo chiều rộng trên cơ sở chủ yếu dựa vào vốn, nguồn lao động rẻ và khai thác tài nguyên. Trên thực tế, vốn đầu tư nói chung cho phát triển vẫn gia tăng hàng năm và riêng năm 2010 nền kinh tế đã tiếp nhận 830.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhưng chưa tạo được sự biến chuyển như mong muốn. Quá trình làm ra nhiều loại sản phẩm phải mất nhiều thời gian, tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với sản phẩm cùng loại của nước khác. Các ngành sản xuất mới áp dụng công nghệ trình độ thấp hoặc trung bình, tồn tại hình thức gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp, kém hiệu quả và thiếu sức cạnh tranh. Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần tập trung nghiên cứu, đưa ra chính sách tổng hợp và thích hợp để tạo bước đột phá đối với nền kinh tế; trong đó, chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, chú trọng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường sức cạnh tranh trên cả 3 cấp độ quốc gia-doanh nghiệp-sản phẩm./.