Trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2010

Hội đồng giám khảo đã trao 4 giải thưởng và một Tặng thưởng trong 23 đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái thắm đượm tình yêu Hà Nội.
Đúng ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 cố họa sỹ Bùi Xuân Phái tại trụ sở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ở Hà Nội đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đến dự và tham gia trao giải thưởng, về phía gia đình Họa sĩ Bùi Xuân Phái có người bạn đời của ông - bà Nguyễn Thị Sính.
 
Thấm đượm một tình yêu Hà Nội

Ông Ngô Hà Thái, Phó Tổng giám đốc TTXVN, trưởng Ban Tổ chức giải đã khẳng định: "Đây có lẽ là giải thưởng duy nhất giành cho tình yêu, và đó là tình yêu với Hà Nội"

Giải thưởng ý nghĩa này đã bước sang năm thứ 3 và đã dần quen thuộc những người yêu Hà Nội. Được thành lập năm 2008 theo sáng kiến của gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988) và Báo Thể thao & Văn hóa thuộc TTXVN, giải thưởng được trao hàng năm cho những tác giả, tác phẩm, ý tưởng và hoạt động – việc làm có giá trị cao, gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội vào ngày 1/9, ngày sinh cố Họa sỹ Bùi Xuân Phái.

"Tên tuổi của danh họa Bùi Xuân Phái gắn liền với Hà Nội thân yêu và quen thuộc của chúng ta. Tranh "Phố-Phái" từ lâu đã là một biểu tượng của Hà Nội, như Tháp Rùa, Hồ Gươm... chính vì vậy ngay từ khi được khởi xướng, giải thưởng đã gây tiếng vang rất lớn và thu hút nhiều sự quan tâm tham gia. Giải thưởng đã thể hiện niềm tâm huyết mạnh mẽ, tình yêu sâu sắc đặc biệt đối với Hà Nội, ” ông Hà Thái chia sẻ.

Giải thưởng gồm các hạng mục: Giải thưởng Lớn, giải Tác phẩm, Ý tưởng và giải Hành động, việc làm Vì tình yêu Hà Nội.

Hạng mục giải “Hành động, việc làm Vì tình yêu Hà Nội" là một giải rất đặc biệt, bởi được xét trao cho các hoạt động, việc làm hoặc những đề xuất góp phần bảo vệ, tôn vinh các giá trị của Hà Nội được dư luận hưởng ứng, hoan nghênh.

Ban Tổ chức đánh giá, các đề cử đều là những đóng góp rất ấn tượng cho Thủ đô ngàn năm tuổi và kết quả đã được công bố. Nhiều tên tuổi lớn đã có mặt trong các đề cử như nhà văn Tô Hoài, Giáo sư Phan Huy Lê, nhà nghiên cứu Giang Quân, nhạc sĩ Nguyễn Cường…

Năm nay, là năm đánh dấu mốc son thật đặc biệt đối với Thủ đô - Năm diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Do đó, các tác phẩm, công trình hay những việc làm “Vì tình yêu Hà Nội” cũng rất phong phú cả về số lượng và chất lượng.

Có thể nói, tâm huyết của tất cả những tấm lòng và tài năng vì Hà Nội đều tích lũy cho mốc son nghìn năm của Thăng Long. Chính vì vậy Ban tổ chức cũng như Hội đồng Giám khảo có khá dồi dào các dự kiến đề cử vào giải thưởng, song lại vô cùng khó khăn trong việc chốt lại danh sách đề cử và quyết định các giải thưởng.

Tác giả của "Dế mèn phiêu lưu ký" giành Giải thưởng lớn

Giải thưởng là hội tụ của 23 tấm lòng “Vì tình yêu Hà Nội” được đề cử đều ngời sáng tấm lòng và thắm đượm tình yêu Hà Nội. Hội đồng giám khảo đã quyết định trao bốn Giải thưởng và một Tặng thưởng trong các đề cử sáng giá trên.

Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội đã được trao cho  nhà văn Tô Hoài. Với 11 đề cử cho Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội, Hợp xướng trống đồng "Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng" của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã được chọn trao giải.

Từ bốn đề cử Giải ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội, giải thưởng thuộc về Đồ án Cung đường Hòa Bình với ý nghĩa đánh thức một đoạn tường bao thành Thăng Long của nhóm kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào.

Trong bốn đề cử Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội, giải được trao cho nhóm các tác giả và chuyên gia đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề cử thành công Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.

Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hồi đồng Giám khảo cho biết, Hội đồng giám khảo đã quyết định trao giải Tặng thưởng cho Bức tranh thêu khổ lớn mang tên “Cội xưa” thể hiện cố đô Hoa Lư trong sự gắn bó với Thăng Long, ngay trước thời điểm ban bố “Thiên đô chiếu” của Vua Lý Thái Tổ.

Tác giả là họa sĩ trẻ Phạm Thị Hoài cùng các nghệ nhân làng thêu Văn Lâm (Ninh Bình). Tranh có kích thước tới 170,5m2, huy động trên 60.000 ngày công lao động của hơn 100 nghệ nhân tay nghề cao của làng thêu cổ truyền./.
 
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục