Trao giải cuộc thi 'Thăng Long-Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi'

Cuộc thi viết ký, ghi chép “Thăng Long-Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi” ghi nhận sự tham gia nhiệt tình của nhiều tác giả trong và ngoài nước, trong đó có những cây viết đã 80-90 tuổi.
Các tác giả nhận giải Nhì tại lễ trao giải cuộc thi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các tác giả nhận giải Nhì tại lễ trao giải cuộc thi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 23/10, Báo Hànộimới đã tổng kết và trao giải cho các tác giả tham gia cuộc thi viết ký, ghi chép “Thăng Long-Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi.”

Cuộc thi có ý nghĩa tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long-Hà Nội; về những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô sau 1010 năm vua Lý Thái Tổ dời đô.

Không chỉ vậy, cuộc thi cũng là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 63 năm ngày Báo Hànộimới hàng ngày ra số đầu tiên (24/10/1957).

Ông Nguyễn Hoàng Long, tổng biên tập báo Hànộimới, trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết sau 1 năm phát động, đã có hơn 200 bài dự thi gửi về từ các tác giả trong nước và nước ngoài. Các bài chất lượng tốt đã được đăng trên các ấn phẩm của Hànộimới, phản ánh đa dạng các lĩnh vực văn hóa, di sản, kiến trúc, nghệ thuật dân gian, đời sống xã hội trong chiều dài nghìn năm lịch sử của Thăng Long-Hà Nội. Ngoài ra, các tác phẩm cũng đề cập đến những thành tựu nổi bật của Thủ đô trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, nhất là phát triển hạ tầng, phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh.

Đáng chú ý là cuộc thi đã thu hút những cây viết kỳ cựu như Đỗ Phấn, Hà Nguyên Huyến, Trần Chiến,… và cả những tác giả trẻ, thuộc thế hệ kế cận như Nguyễn Quang Long, Giang Nam…

“Một số tác phẩm khá nổi trội, ví dụ như ‘Hà Nội của tôi’ của tác giả Văn Chinh gây xúc động bởi cảm xúc chân thực của một người ngoại tỉnh nhập cư vào thành phố, chứng kiến sự phát triển của Thủ đô trên nhiều lĩnh vực dưới góc nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai, từ đó bày tỏ thái độ và suy luận nghiêm túc,” ông Long nhận xét.

“Hay như tác phẩm ‘Khi làng lên phố’ của tác giả Nguyễn Văn Học, pha trộn giữa ghi chép và ký đã làm bật lên cái còn, cái mất trong cơn lốc đô thị hóa các làng ven đô cùng những nỗ lực, cố gắng giữ gìn văn hóa truyền thống, thể hiện khá rõ quan điểm của người viết.”

Hai tác phẩm nói trên đã được trao giải Nhì của cuộc thi (không có giải Nhất). Phát biểu tại lễ trao giải, tác giả Văn Chinh cho biết ông xúc động khi tình yêu chân thành của mình với Hà Nội được ghi nhận.

“Tôi đã có 38 năm sống tại Hà Nội, có lẽ tình yêu và sự chân thành khiến lời ngợi ca trở nên thuyết phục, lời góp ý trở nên dễ nghe hơn,” ông nói.

“Cảm ơn báo Hànộimới đã tổ chức cuộc thi để khơi nguồn tình yêu cho mọi người, để các tác giả có cơ hội chia sẻ suy nghĩ, niềm tự hào và những đóng góp cho Thủ đô.”

Trao giải cuộc thi 'Thăng Long-Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi' ảnh 1Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long (giữa) cũng đóng góp một bài viết về nghệ thuật xẩm và đạt giải Khuyến khích. (Ảnh: NVCC)

Báo Hànộimới cũng đã biên soạn, xuất bản cuốn sách "Thăng Long-Hà Nội: Vượng khí ngàn năm." Cuốn sách dày 336 trang; trong đó có nhiều trang in ảnh màu, tập hợp 66 bài viết (một con số rất ý nghĩa, tương ứng với 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô) được tuyển chọn từ các bài dự thi xuất sắc và bổ sung một số bài ký, ghi chép chất lượng về chủ đề Thăng Long-Hà Nội được đăng trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới thời gian gần đây.

Cũng trong buổi lễ, 1.000 cuốn sách đã được bàn giao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy và 1.000 cuốn sách được gửi tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để đưa về thư viện các trường học trên địa bàn thành phố, nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ và các học sinh về truyền thống văn hiến, anh hùng của Thủ đô./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục