Ngày 30/10, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sỹ tại Trung tâm Sản Nhi của bệnh viện đã cấp cứu và điều trị thành công bệnh nhi 3 tháng tuổi viêm phổi suy hô hấp nặng do gia đình tự điều trị, cho uống thuốc nam.
Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Trung tâm Sản Nhi) tiếp nhận bệnh nhi (nam) 3 tháng tuổi từ Trung tâm y tế huyện Tân Sơn chuyển đến vào ngày 5/10. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng trẻ khó thở, suy hô hấp, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, ý thức lơ mơ, da vàng xạm toàn thân, niêm mạc nhợt, tiểu màu đỏ sậm, rốn lồi thoát vị, bụng chướng, gan to.
[Đắk Lắk xử lý 6 nhân viên ngành Y tế sử dụng bằng cấp không hợp lệ]
Người nhà bệnh nhi cho hay, trẻ sinh thường, lúc sinh nặng 3,5kg. Sau sinh thỉnh thoảng trẻ bị tiêu chảy, phân có bọt và đỏ xung quanh hậu môn, gia đình đã cho trẻ uống và đắp thuốc nam.
Trước khi vào viện 3 ngày trẻ ho, sốt, ho có đờm, khó thở khò khè. Gia đình chưa đưa trẻ đi khám khám ở các cơ sở y tế mà đã dùng thuốc nam của thầy lang nấu cho mẹ và con uống, nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng, trẻ khó thở, tím tái toàn thân.
Qua khám xét và tổng hợp các kết quả cận lâm sàng: xét nghiệm máu, chụp X-quang trẻ được chẩn đoán: Suy hô hấp độ III-viêm phổi nặng, chưa loại trừ ngộ độc thuốc nam.
Các bác sỹ đã tiến hành biện pháp hồi sức tích cực được thực hiện: Thở máy không nhập (NCPAP), hồi sức tuần hoàn, đặt monitor theo dõi…. Tuy nhiên diễn biến bệnh vẫn nặng lên, không đáp ứng với thở máy NCPAP, oxy hóa máu không đảm bảo, huyết áp tụt và đi vào tình trạng sốc.
Các biện pháp hồi sức nâng cao được các bác sỹ thực hiện cho bệnh nhi như: Thở máy qua nội khí quản với phương thức thở mới nhất áp dụng cho trẻ bị suy hô hấp nặng, dùng các thuốc trợ tim mạch để duy trì huyết áp.
Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy bé bị tổn thương dạng nốt mờ, đông đặc khắp hai phế trường, tổn thương gan nặng: Men gan tăng cao gấp 5 lần bình thường, tình trạng ứ mật bilirubin tăng gấp 10 lần bình thường.
Sau 6 giờ hồi sức tích cực, tình trạng trẻ vẫn rất nguy kịch và có xu hướng nặng dần lên, không đáp ứng với thuốc vận mạch. Bệnh nhi đi vào tình trạng sốc nhiểm khuẩn, suy đa tạng, vô niệu do nhiễm khuẩn nặng kết hợp với ngộ độc thuốc nam.
Bệnh nhi được tiến hành siêu lọc máu liên tục để nhằm loại bỏ các độc tố, các chất trung gian gây viêm, điều chỉnh rối loạn toan kiềm, cân bằng nước và điện giải, đuy trì các biện hồi sức tuần hoàn và hô hấp.
Sau 12 giờ hồi sức tích cực và siêu lọc máu, bệnh nhi bắt đầu đáp ứng với các biện pháp điều trị: Đã có nước tiểu trở lại, huyết động ổn định hơn, tình trạng tan hóa máu bắt đầu cải thiện.
Sau 24 giờ lọc máu đã giảm được liều các thuốc vận mạch, thận đã hoạt động trở lại. Các bác sỹ tiếp tục lọc máu với quả lọc thứ 2 và kéo dài đến 50 giờ, tình trạng bệnh nhi đã được cải thiện rõ rệt: Dừng các thuốc vận mạch, tình trạng hô hấp tốt hơn, oxy hóa máu được cải thiện.
Sau 6 ngày, bằng các biện pháp hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện, bệnh nhi ổn định, chụp CTscaner phổi đã hồi phục tốt, tiến hành cai thở máy và rút ống nội khí quản, trẻ đã tự thở và dần không phụ thuộc oxy.
Các chức năng sống hồi phục và ổn định hoàn toàn, bệnh nhi được ra viện sau 24 ngày điều trị.
Thạc sỹ y học Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc khuyến cáo trẻ em với hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện rất dễ mắc bệnh và tiến triển rất nhanh thành tình trạng nặng nề gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan tự ý mua và dùng thuốc, đặc biệt là những loại thuốc nam không rõ thành phần, nguồn gốc và những mẹo dân gian được truyền miệng vì có thể gây suy gan, suy thận cho trẻ và có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.
Phụ huynh khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời./.