Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, sau 10 năm thực hiện chương trình về tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo quyết định của Chính phủ, đến nay đã có 3,5 triệu lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước được vay vốn học tập.
Tính đến nay, tổng dư nợ chương trình đạt hơn 15.993 tỷ đồng với trên 67.000 khách hàng còn dư nợ.
Kết quả đạt được từ gần 10 năm qua cho thấy, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, phù hợp với tình hình thực tế, tạo được sự đồng thuận của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Qua đó đã góp phần xây dựng nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ, kiến thức và tay nghề phục vụ phát triển đất nước.
Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh số cho vay của chương trình này giảm dần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân chính do nhu cầu vay giảm mạnh. Hiện, nhiều gia đình lựa chọn cho con đi học nghề nhiều hơn là học các trường đại học và cao đẳng.
Các cán bộ của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, nhiều gia đình lý giải, cho con học nghề thời hạn ngắn hơn, vay vốn ít hơn và ra trường tìm được việc làm ngay trong khi nhiều trường hợp học 4 năm đại học nhưng ra trường không có việc làm. Một nguyên nhân nữa là mức cho vay học sinh sinh viên vẫn thấp so với nhu cầu vì vậy nhiều hộ dân dù có vay cũng không đủ đảm bảo cho con theo học.
Theo quy định, hiện nay mỗi học sinh sinh viên đủ điều kiện được vay 1,5 triệu đồng/tháng với lãi suất 0,55%/tháng trong khi mỗi tháng học sinh sinh viên cần chi tiêu tối thiểu khoảng 4 triệu đồng cho các nhu cầu học tập và sinh hoạt. Việc hoàn chỉnh thủ tục để học sinh sinh viên được vay vốn cũng còn một số vấn đề cần có sự vào cuộc hơn nữa của các trường.
Mẫu giấy xác nhận vay vốn mặc dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách Xã hội quy định rõ, thống nhất, nhưng nhiều trường vẫn làm sai, cấp chậm, khiến cho việc thực hiện hồ sơ vay vốn kéo dài, ngân hàng khó chủ động kế hoạch. Một số nơi còn xác nhận chưa đúng thẩm quyền, thông tin trên mẫu còn để học sinh sinh viên tự khai, thiếu tính chính xác hoặc khai không đầy đủ (thiếu mã trường, mã sinh viên, không xác định rõ thời gian kết thúc khoá học…) khiến cho việc khai báo thông tin học sinh sinh viên tại ngân hàng rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm thủ tục vay vốn, quản lý, thống kê số liệu, xác định kỳ hạn trả nợ…
Để chương trình phát huy hiệu quả cao hơn nữa, Ngân hàng Chính sách Xã hội kiến nghị trong thời gian tới các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng Chính sách Xã hội để việc giải ngân cũng như thu nợ đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó Nhà nước, Chính phủ có thể xem xét mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ gia đình không quá khó khăn nhưng có từ 2 - 3 con đang đi học trở lên, tạo điều kiện giúp các hộ gia đình giải tỏa được gánh nặng về tài chính, đồng thời tiếp tục nâng mức cho vay đối với chương trình để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trang trải chi phí cho học sinh sinh viên./.