Tri thức và uy tín - nguồn vốn quan trọng nhất để khởi nghiệp

Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã chia sẻ về những khó khăn đối với những người khởi nghiệp và giải pháp hỗ trợ người khởi nghiệp ở Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á-TBD nói chung.
Tri thức và uy tín - nguồn vốn quan trọng nhất để khởi nghiệp ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017. (Nguồn: TTXVN)

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, ngày 7/11, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy.”

Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia và giới doanh nghiệp trong và ngoài nước đã thảo luận về 6 chủ đề gồm Nông nghiệp thông minh; Dịch vụ tài chính; Y tế và giáo dục; Kết cấu hạ tầng; Du lịch và đặc khu kinh tế; và Doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Bên lề hội nghị, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các đại biểu về những khó khăn đối với những người khởi nghiệp và giải pháp hỗ trợ người khởi nghiệp ở Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Dân Việt: Nguồn vốn quan trọng nhất với người khởi nghiệp là tri thức và uy tín

- Với tư cách là một chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp, ông có thể cho biết khó khăn đối với đa số người khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Tình: Có thể nói, khó khăn thì rất nhiều nhưng xét cho cùng, đa số những người khởi nghiệp ở Việt Nam đều thiếu nền tảng kiến thức và mối quan hệ.

Mặt khác, do tuổi còn trẻ nên thương hiệu cá nhân của phần lớn những người khởi nghiệp không tốt lắm, dẫn đến quá trình xúc tiến và làm việc không hiệu quả nên thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Thông thường, đa số người khởi nghiệp đều nói họ thiếu vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, vốn tiền bạc không phải là nguồn vốn quan trọng nhất. Nguồn vốn quan trọng nhất với người khởi nghiệp là tri thức và uy tín của họ.

Chẳng hạn, có một bạn trẻ muốn khởi nghiệp. Họ hẹn gặp người tư vấn lúc 3 giờ nhưng đến 5 giờ họ mới tới. Khi người khởi nghiệp đã lỡ hẹn như vậy, các chuyên gia/người tư vấn rất khó chịu và lần sau, họ không dành thời gian cho người khởi nghiệp này nữa.

[Thủ tướng dự khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017]

- Theo ông, những người khởi nghiệp ở Việt Nam cần làm gì để vượt qua những khó khăn đó?

Ông Nguyễn Văn Tình: Theo tôi, trước hết, họ phải tập trung vào học, học thật nhiều, cập nhật kiến thức bên ngoài. Bên cạnh đó, họ phải biết cách xây dựng mối quan hệ và tìm kiếm các mối quan hệ thực sự phù hợp với mình, phù hợp với tiêu chí, giá trị cốt lõi và sứ mệnh của mình hoặc có chung mục tiêu với mình.

Mặt khác, hạn chế lớn nhất đối với những người khởi nghiệp ở Việt Nam là thiếu thông tin. Chẳng hạn, về vấn đề nguồn vốn, rất nhiều tổ chức/cá nhân ở bên ngoài muốn hỗ trợ tài chính cho những người khởi nghiệp nhưng những người khởi nghiệp không nắm bắt được những thông tin như vậy.

Họ không biết những nguồn vốn này từ đâu, ai có thể hỗ trợ cho họ và họ có thể huy động nguồn vốn này bằng cách nào. Do vậy, họ cần phải tích cực tìm kiếm các nguồn thông tin bên ngoài để tiếp cận và xúc tiến kịp thời.

- Ông đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ?

Ông Nguyễn Văn Tình: Chính sách của Chính phủ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp mới ở giai đoạn bước đầu. Các động thái của Chính phủ là cực kỳ tốt. Tuy nhiên, để các chính sách này đến được người cần tiếp cận, nó cần một quá trình gian nạn và cần có sự hỗ trợ của các địa phương và chuyên gia hỗ trợ trong mảng này.

Bên cạnh đó, các đối tượng hướng nghiệp/khởi nghiệp cần phải chủ động hơn trong hoạt động của mình thì các chính sách/chương trình hỗ trợ khởi nghiệp mới hiệu quả.

Bà Virginia B. Foote, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành công ty tư vấn Bay Global Strategies của Mỹ: Cần tạo lập môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp thử nghiệm và phát triển

- Theo bà, đâu là những khó khăn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp phải?

Bà Virginia B. Foote: Theo tôi, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn giống nhau ở khắp mọi nơi, trong đó có thể kể đến có quá nhiều quy định, luật lệ, thủ tục đi kèm với sự thiếu hụt về nguồn vốn. Do đó, một phần việc mà chúng tôi đang làm đó là cố gắng dành phần nhỏ nguồn vốn sẵn có cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp để họ giúp đỡ lẫn nhau và có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các khoản tiền vay.

- Từ kinh nghiệm của nước Mỹ, bà hãy cho biết làm thế nào để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp?

Bà Virginia B. Foote: Theo tôi, không nên "kìm kẹp" doanh nghiệp khởi nghiệp quá nhiều và có đôi lúc các chính phủ cần phải “tránh đường”. Sẽ thật khó để các chính phủ giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp bởi vì, những doanh nghiệp này biết rõ điều họ muốn hơn là chính phủ.

Tôi cho rằng vấn đề ở chỗ (chúng ta) cần thiết lập một môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp được thử nghiệm và phát triển.

Ông Nguyễn Phú Quý, Giám đốc Hà Nội của Tập đoàn Tiến Thịnh: Cơ hội để giới trẻ Việt Nam khởi nghiệp thành công

- Mới đây, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) đã đưa ra đề xuất thành lập Mạng lưới Khởi nghiệp APEC. Ông bình luận gì về sáng kiến này?

Ông Nguyễn Phú Quý: Theo tôi, đây là sáng kiến rất hữu ích đối với những người trẻ muốn thành lập doanh nghiệp và khởi nghiệp vì đây là cơ hội để họ chia sẻ những kỹ năng quản lý và những ý tưởng để khởi nghiệp thành công.

Đối với giới trẻ Việt Nam, đây sẽ là cơ hội rất tốt bởi vì, khi chúng ta có cơ hội giao lưu với các bạn trẻ trong khu vực APEC, nhất là những nền kinh tế phát triển, các bạn đó là những người đi trước, sở hữu những công nghệ tiên tiến hơn và kinh nghiệm khởi nghiệp, các bạn trẻ Việt Nam sẽ có những góc nhìn khác và như vậy, họ sẽ có thêm những ý tưởng mới để khởi nghiệp, đồng thời có thể tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng một cách dễ dàng hơn./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục