Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (Vietnam Summit in Japan 2019) lần thứ nhất diễn ra hôm 16/11 tại Tokyo, phiên thảo luận với chủ đề “Đóng góp trí tuệ Việt ở nước ngoài cho sự phát triển của Việt Nam.”
Phiên thảo luận đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài với việc giải đáp hai câu hỏi lớn đang có rất nhiều người tâm tư, đó là người Việt tại nước ngoài lựa chọn “về hay ở” và nếu ở lại phải làm gì để đóng góp cho đất nước?
Phiên thảo luận với sự tham dự của hơn 120 diễn giả, trí thức người Việt tại Nhật Bản, trong đó có tới 41% do dự chưa biết nên trở về hay sẽ sinh sống lâu dài ở Nhật Bản.
Chia sẻ quan điểm từ chính bản thân mình, diễn giả Cao Minh Việt, đại diện Vingroup tại Nhật Bản cho rằng điều này xuất phát từ chính bản thân mỗi người, cảm thấy hạnh phúc khi sống ở đâu.
Cùng chung quan điểm này, diễn giả Nguyễn Thị Hồng Nhung, giám đốc Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực, FPT Japan Holdings đã kể một câu chuyện từ chính bản thân chị.
Đó là vào một hôm trời mưa tuyết lạnh ở Tokyo, khi chị đang đưa con đi học về, đứa con nhỏ của chị đã hỏi một câu làm chị phải rơi nước mắt “mẹ ơi, ở Việt Nam con được mẹ đưa đi học. Tại sao ở đây con lại phải đi bộ trong trời tuyết như thế này?”
Rõ ràng, luôn có nhiều viễn cảnh tươi đẹp về việc sinh sống ở nước ngoài như một môi trường sống tốt, cơ hội làm việc với thu nhập cao nhưng liệu điều đó có thực sự mang lại hạnh phúc?
Diễn giả Nguyễn Hoàng Thảo, người sáng lập phong trào "Nói Không Với Túi Nylon" và "Go Eco Hanoi" gửi gắm một thông điệp hãy lựa chọn nơi mà bạn cảm thấy hạnh phúc “Đâu cũng là nhà.”
[Người Việt là cộng đồng dân nước ngoài lớn thứ 3 tại Nhật Bản]
Câu hỏi thứ hai về việc nếu sống ở nước ngoài phải làm gì để đóng góp cho đất nước. Trong số những người tham dự tại phiên thảo luận, 44% cho rằng bản thân chưa đóng góp được gì đối với quê hương.
Giải đáp cho tâm tư này, diễn giả Vũ Hoàng Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ câu chuyện từ chính bản thân anh trong quá trình lập nghiệp tại xứ người từ hai bàn tay trắng.
Theo anh, Việt Nam đang có nhu cầu trong nhiều lĩnh vực từ sản phẩm trí tuệ công nghệ cao đến thực phẩm, đồ gia dụng.
Trong bối cảnh quan hệ Việt-Nhật đang phát triển tốt đẹp, người Việt cần nắm bắt cơ hội về giao thương.
Đối với diễn giả Cao Minh Việt đến từ Vingroup, anh cho rằng Nhật Bản đã trải qua một quá trình dài phát triển có một lượng tích lũy kỹ thuật, công nghệ vô cùng lớn có thể ứng dụng về Việt Nam.
Tuy nhiên, tiếp nhận công nghệ cần có sự chọn lọc, tránh biến Việt Nam thành một bãi rác công nghệ của thế giới. Cái Việt Nam cần là chuyển giao giá trị, kỹ thuật tinh túy để từ đó tạo ra những giá trị mới.
Thông điệp mà diễn giả Cao Minh Việt đưa ra là “Hãy sẵn sàng dấn thân, đừng từ bỏ mục tiêu mình đã lựa chọn và chắc chắn các bạn sẽ không bao giờ hối hận.”
Ngoài những cách đóng góp trên, diễn giả Nguyễn Hoàng Thảo có cách tiếp cận mới về vấn đề môi trường sống.
Theo khảo sát tại phiên thảo luận, 42% cho rằng môi trường sống như không khí, nguồn thực phẩm, chăm sóc y tế... là yếu tố quan trọng nhất khi cân nhắc trở về Việt Nam hay ở lại nước ngoài.
Vì vậy, ý kiến đóng góp của diễn giả Nguyễn Hoàng Thảo là hãy tạo ra các phong trào bảo vệ môi trường như giảm rác thải nhựa.
Một “ngôi nhà” Việt Nam sạch sẽ, trong lành, không còn rác thải mà chị Thảo và những người bạn của mình đang cố gắng xây dựng chính là một sự đóng góp tích cực để kêu gọi người tài trở về Việt Nam.
Điều đọng lại khi kết thúc phiên thảo luận với chủ đề “Đóng góp trí tuệ Việt ở nước ngoài cho sự phát triển của Việt Nam” là tấm lòng hướng về quê hương của tất cả những người Việt xa đất nước, cùng với một niềm tin rằng chỉ cần có mục tiêu, có kế hoạch, luôn biết khao khát và không bao giờ từ bỏ dù sống ở bất cứ đâu những trí tuệ Việt cũng có thể đóng góp cho sự thay đổi, phát triển của Việt Nam./.