Triển lãm 200 hiện vật cổ về mỹ thuật ứng dụng

Hiện vật, tư liệu trưng bày là tranh mỹ thuật dân gian Nam Bộ bằng giấy, vải, gỗ, tranh kính… liên quan tín ngưỡng dân gian, Phật giáo.
Ngày 23/11, gần 200 hiện vật, hình ảnh và tư liệu cổ về mỹ thuật ứng dụng trong đời sống thường nhật và mỹ thuật trong đời sống văn hóa tinh thần đã được trưng bày tại Triển lãm chuyên đề “Mỹ thuật cổ trong di sản văn hóa Nam Bộ.”

Triển lãm do Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Hội Cổ vật thành phố tổ chức, nhằm kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 7 - Ngày hội về nguồn (23/11).

Phần lớn các hiện vật trưng bày tại triển lãm có từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 20, thuộc địa bàn Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ). Đặc biệt, nhiều hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng từ các sưu tập tại bảo tàng và sưu tập tư nhân.

Các hiện vật và tư liệu trưng bày tại triển lãm là tranh mỹ thuật dân gian vùng đất Nam Bộ bằng các chất liệu giấy, vải, gỗ, tranh kính… liên quan đến tín ngưỡng dân gian, Phật giáo như tranh Tam vị gia thần, tranh Tam thanh, tranh Hộ pháp, tranh Đạt Ma sư Tổ, quần thể Tiếu tượng gốm Đồng Hòa, Mai Sơn (gốm Cây Mai-Chợ Lớn); các tượng thờ như tượng Tiêu Diện đại sỹ, tượng Hộ Pháp, tượng Mẫu, tượng Ông Địa…; các đồ bài trí, thờ cúng, dân dụng bằng chất liệu, gốm sứ, đồng, gỗ.

Triển lãm mở cửa đến ngày 23/3/2012./.

Gia Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục